Doanh nghiệp bị “bức tử” hay “tự sát” ?

(Dân trí) - Bài viết của TS. Đinh Thế Hưng trên Diễn đàn nêu lên con số 70.000 doanh nghiệp bị “khai tử” gần đây và phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó. Tôi muốn bàn thêm về hiện tượng này.

Doanh nghiệp bị “bức tử” hay “tự sát” ?
Mở một doanh nghiệp thì dễ, nhưng để kinh doanh thành công không dễ (ảnh minh họa: tamnhin.net)
 
Chúng ta đều biết để mở một doanh nghiệp rất dễ, nhưng để kinh doanh thành công thì không dễ. Bắt đầu công việc kinh doanh từ một ý tưởng tốt đẹp, một niềm đam mê kèm theo một niềm tin cháy bỏng, nhưng…để biến ý tưởng thành hiện thực, biến được đam mê thành việc kinh doanh cụ thể đưa đến thành công, có mấy người đạt được điều này, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay.

Đôi khi có người thành công ở giai đoạn khởi đầu, nhưng lại thất bại trong việc phát triển và mở rộng qui mô kinh doanh trong những giai đoạn kế tiếp. Vì thực tế không như chúng ta mơ ước, không đúng như lý thuyết mà ta đã biết, và sai lầm thường bắt đầu từ việc chúng ta không xác định đúng những bước đi cần thiết cho từng giai đoạn.
 
Ở giai đoạn khởi đầu, với một quyết tâm cao, một qui mô và một năng lực đã được chuẩn bị trước; lại có điều kiện khách quan thuận lợi, lãi suất ngân hàng chưa cao, nhờ vậy hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công đáng kể. Với sự hưng phấn và khích lệ của thành quả bước đầu, doanh nghiệp hăng hái mở rộng qui mô hoạt động không những trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn ra ngoài lĩnh vực sở trường của mình, thậm chí bành trướng thành “công ty mẹ”, “công ty con”, chạy vốn đầu tư của nhà nước và vay ngân hàng một khoản lớn để đáp ứng nhu cầu “phát triển” vượt bậc này.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đấy là những doanh nghiệp có năng lực hạn chế nhưng tham vọng quá lớn, muốn phô trương thanh thế, muốn mở rộng thị phần một cách nhanh chóng để tạo dựng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi. Điển hình như Tập đoàn công nghiệp Tầu thủy Việt Nam Vinashin và không thiếu những gương mặt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong số 70 nghìn doanh nghiệp vừa bị hoặc sắp bị “khai tử”.
 
Vì phát triển quá nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát và năng lực quản lý, năng lực tài chánh của công ty, nên khả năng xảy ra sai sót dẫn đến sụp đổ là điều khó có thể tránh khỏi. Đó là hiện tượng mà nhiều DN vấp phải trong quá trình mở rộng hoạt động quá nhanh và ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng cách ứng  thường tình là “đã đâm lao thì phải theo lao”, cho nên khi thấy sai sót đã trở thành nghiêm trọng, các công ty thường dùng đến một số thủ thuật để che đậy. Động thái đầu tiên các doanh nghiệp thường làm là phủ một lớp hào quang giả tạo quanh hoạt động của công ty mình với hy vọng sẽ cố gắng đảo ngược tình thế.
 
Nếu những sai sót được phát hiện sớm và lãnh đạo doanh nghiệp mạnh dạn sửa sai thì mọi việc sẽ được giải quyết tốt đẹp. Nhưng nếu sai sót không được phát hiện kịp thời, hoặc được phát hiện nhưng vì lo ngại uy tín DN bị sứt mẻ, thương hiệu công ty bị suy giảm, không mổ xẻ triệt để nhằm chặn đứng tức thời những sai sót. Lúc đó sai sót sẽ trở thành hệ thống, tích lũy dần những nguy hiểm theo thời gian và sự sụp đổ là điều chắc chắn khó tránh khỏi.
 
Và để đối phó với tình huống tồi tệ này, các công ty thường có các động thái “bịa đặt” ra tài sản và vốn ảo để che giấu các khoản nợ của công ty, làm giả các tài liệu chứng từ để che giấu những hoạt động làm ăn gian dối. Dùng danh nghĩa của các ngân hàng tài trợ, các quan chức, các cổ đông tên tuổi như là một lá chắn để tạo vỏ bọc.
 
Những tín hiệu ta thường thấy khi DN chuẩn bị sụp đổ như thua lỗ trong kinh doanh nhưng vẫn được các nhà đầu tư (dưới nhiều danh nghĩa) và ngân hàng rót vốn. Đây là một dấu hiệu không bình thường trong công tác giám sát, quản lý và điều hành. Nếu không được các cơ quan chức năng, ngân hàng và các công ty kiểm toán tham gia tiếp tay (để được đổi lấy chi phí dịch vụ cao), thì chắc rằng bản thân DN không thể tự lừa đảo trong thanh toán và hướng dẫn sai lạc cho các đối tác trong một thời gian dài (kể từ khi có tín hiệu sai sót).
 
Một khi đã có sự tiếp tay có hệ thống của những người có trách nhiệm để che đậy những sai sót, thì rất khó phát hiện những sai trái trong hoạt động kinh doanh của DN. Và từ đây hình thành một mối quan hệ kinh doanh gian dối, lừa đảo kéo dài có hệ thống, trong đó phải có sự góp sức của “những vị có quyền chức” của các cơ quan kiểm toán, của ngân hàng… Họ đã tạo điều kiện thực hiện các giao dịch để được hưởng lợi từ chi phí dịch vụ cao góp phần tạo nên sự sụp đổ của DN. Một số vụ làm ăn phi pháp này đã được đưa ra xét xử trong thời gian qua, nhưng đó mới là phần nổi, còn phần chìm của “tảng băng” tham nhũng này còn chưa được phát hiện kịp thời và còn là nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.
 
Doanh nghiệp bị “bức tử” hay “tự sát” ?
Các doanh nghiệp nhỏ rất cần được Nhà nước hỗ trợ (ảnh minh họa)
 
Tôi đồng tình với phân tích của TS.Đinh Thế Hưng về nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá sản của hàng vạn doanh nghiệp gần đây có tác động của cách điều hành và quản lý, nhất là sự thắt chặt tín dụng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhưng  nguyên nhân quan trọng vẫn thuộc về bản thân mỗi doanh nghiệp vì thiếu tầm nhìn và không có bản lĩnh ứng phó trước tình hình khó khăn do chủ quan, nóng vội, dẫn tới tình trạng phiêu lưu, thậm chí dùng cả thủ đoạn gian dối khi gặp “nước bí”, mong đảo ngược tình thế.
 

Qua sự thất bại của nhiều DN, ta thấy rằng hiện nay chế độ quản trị doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, còn nhiều kẻ hở, lỏng lẻo. Không có sự giám sát chặt chẽ là nguyên nhân góp phần che giấu sự thâm hụt kéo dài. Qui định về trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng. Đó là những tiền đề cho sự sụp đổ của nhiều DN trong thời gian qua, và nó cũng là tín hiệu báo động cho thấy nguy cơ gây nên việc phá sản đang tiềm ẩn đối với không ít DN đang hoạt động trong thời buổi kinh tế biến động như hiện nay.


                                                                Th.s Mguyễn Đình Đầy Tp. Hồ Chí Minh
 
LTS Dân trí - Bình thường trong kinh doanh thỉ có lãi có lỗ, có thành công và thất bại, đấy là chuyện thường tình. Nhưng điều bất thường ở đây là sự làm ăn gian dối lãi thật, lỗ giả (để tránh nộp thuế), hoặc ngược lại, cố dùng mọi thủ đoạn để che giấu sự làm ăn yếu kém và  thua lỗ để tiếp tục được đầu tư hoặc vay ngân hàng nhằm cứu vãn tình thế, nhưng ngày càng thua lỗ nặng nề hơn, dẫn tới tình trạng phá sản như bài viết trên đây đã phân tích.
 

Đi vào con đường kinh doanh là chấp nhận sự cạnh tranh. Trong “cuộc chơi” này, phải biết mình, biết người; phải mạnh dạn nhưng đừng bao giờ ảo tưởng để lường trước những khó khăn, tránh bị động trước tình hình, nhất là khi điều kiện khách quan còn nhiều biến động. Điều quan trọng đối với mọi doanh nghiệp là “Chữ Tín”. Nếu đánh mất chữ tín cũng có nghĩa là “tự sát” bởi làm ăn gian dối thì trước sau thế nào cũng bị lật tẩy bởi khách hàng và cơ chế quản lý ngày càng chặt chẽ hơn, không còn kẽ hở cho những kẻ xấu lợi dụng chức quyền để tham nhũng và tiếp tay cho lối làm ăn gian lận.