Điểm sàn thấp và đại học mở rộng cửa: Cơ hội hay thảm họa cho học sinh?

Nếu như ở những thập niên trước, đại học là giấc mơ của nhiều học sinh thì thời gian gần đây, trừ một số trường ở top trên, còn lại bất kì một học sinh nào hoàn thành xong chương trình 12 (tốt nghiệp) cũng có thể chọn được một trường đại học nào đó. Đại học đã không còn là giấc mơ nữa bởi cánh cổng ấy đã mở ra sẵn sàng đón học sinh, càng nhiều càng tốt.


Sinh viên thất nghiệp (Ảnh: internet)

Sinh viên thất nghiệp (Ảnh: internet)

Bộ Giáo dục - Đào tạo cải cách hình thức thi và với kiểu ra đề như năm nay cũng là tạo cơ hội cho các trường tuyển được học sinh. Vậy, cánh cửa đại học rộng mở như thế sẽ là cơ hội hay là thảm họa cho học sinh đây?

Trước hết, xét về lý thuyết, đây chính là cơ hội học tập cho những học sinh có nhu cầu được học cao hơn. Áp lực để vào được đại học không còn là gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và xã hội nữa, việc học vì thế nhìn chung vẫn nhẹ nhàng hơn. Cánh cửa đại học mở ra cũng đồng thời cũng mở ra cơ hội để nâng cao dân trí của người Việt Nam.

Nhưng thực tế không như vậy. Hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và con số này mỗi ngày mỗi tăng vùn vụt sẽ nói lên điều gì. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, tại người học muốn vào học chứ các trường đại học không có lỗi gì cả: Anh mua thì tôi bán, anh muốn vào thì cửa luôn mở sẵn đón anh. Đúng là các trường không có lỗi gì cả khi họ mở toang cửa để đón học sinh.

Song, liệu phụ huynh học sinh có đủ thông thái và bản lĩnh để nói không với cánh cửa từng là niềm ao ước của cả cuộc đời họ? Liệu các em học sinh ăn chưa no lo chưa tới có đủ bản lĩnh để nói không với 4 năm được ra thành phố, được sống bằng số tiền cao hơn tiền lương (mà sau khi ra trường được trả) từ bố mẹ mà không phải đi làm hay không?

Bất cứ một người dân dù ít học nhất vẫn thực hiện được phép tính đơn giản này: Học đại học 4 năm với mức trung bình hết khoảng từ 150 đến 200 triệu đồng. Ra trường thất nghiệp, em thì mở cơ sở chăn nuôi, em phụ thợ hồ, em bán hàng, em bưng bê cho các quán… Chẳng có công việc nào cần đến kiến thức của 4 năm đại học vừa học xong cả.

Sự lãng phí là quá lớn bởi đó không chỉ là tiền bạc (dù số tiền đó cũng là cả gia tài của nhiều gia đình, thậm chí với nhiều học sinh, số tiền ấy vẫn đang nợ ở ngân hàng), thời gian mà còn lãng phí sức khỏe, tinh thần. Những hoài bão của tuổi trẻ bỗng dưng khép lại để bước sang một đoạn đời mới và không ít em trong số đó đã rất khó để bắt đầu lại.

Cánh cửa đại học mở ra càng rộng thì sự lãng phí càng lớn, gánh nặng cho gia đình và xã hội càng cao. Rất nhiều gia đình để chi phí cho con cái vào đại học đã phải trả giá rất đắt, biến gia đình từ hộ trung bình xuống cận nghèo và nghèo. Thật chua chát khi phải thêm câu nói cửa miệng này: “Dân nghèo vì… cho con học đại học” và đúng như vậy.

Nếu cánh cửa đại học chỉ mở ra với một số ít học sinh, chắc chắn các em và gia đình các em sẽ có rất nhiều lựa chọn khác thay vì học đại học. Với số tiền gần 200 triệu đồng chi phí cho 4 năm đại học đủ để các em chọn học một nghề nào đó thích hợp và khởi nghiệp ở lĩnh vực mà mình có khả năng.

Thực tế cũng cho thấy, rồi ngày ấy sẽ đến, dần dần các em và gia đình các em sẽ nhận ra sự bất cập này, một số trường đại học rồi sẽ phải tự giải tán nhưng đến lúc ấy e là quá muộn bởi sự lãng phí là không thể đo đếm được. Cánh cửa đại học mở rộng là cơ hội hay là thảm học cho học sinh? Câu trả lời đã có nhưng từ chỗ nhận thức đến thay đổi là cả một hành trình dài đầy khó khăn và quá nhiều mất mát.

THỦY LÂM

Theo báo Lao động