Bạn đọc viết:

Để chấm dứt hiện tượng đốt rơm rạ trên đường giao thông

(Dân trí) - Các HTX cần vận động bà con cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu. Mỗi HTX nên có một điểm tập kết rơm rạ thuận tiện để xử lý đốt, hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò...

Nhiều đám cháy khói bốc mù mịt rất ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi đường (ảnh: Hữu Nghị)
Nhiều đám cháy khói bốc mù mịt rất ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi đường (ảnh: Hữu Nghị)
Hiện nay đang là mùa thu hoạch lúa chiêm xuân. Khắp nơi, bà con nông dân phấn khởi vì có một vụ chiêm bội thu nên tranh thủ thời tiết nắng ráo đã đổ ra đồng thu hoạch lúa. Nhưng có một thực tế về ý thức của bà con nông dân rất đáng lo ngại. Đó là khi gặt lúa, máy tuốt thường được bà con đặt tự do không theo một quy định nào, bạ đâu đặt đấy trên đường gây cản trở giao thông.

 Rơm không còn được sử dụng làm chất đốt nên bà con mặc nhiên vứt xuống kênh mương “cho tiện”. Có nhiều người để rơm trên đường phơi xong đem đốt đi. Khói mù mịt cản trở tầm nhìn khiến giao thông đi lại khó khăn, nhất là tại các tuyến đường liên huyện, liên xã.

Vẫn biết bà con thu hoạch có mùa vụ, chỉ một thời gian là xong gọn vụ chiêm và tập trung cấy mùa. Nhưng hậu quả sau khi gặt thì để lại rất lâu. Đó là dòng chảy kênh mương bị tắc nghẽn gây khó khăn cho công tác tưới tiêu thoát nước mùa mưa và dẫn nước chống hạn. Thực tế đã có nơi công ty thuỷ nông phải tốn thêm bao nhiêu công sức để trục vớt những đống rơm khổng lồ ấy khỏi dòng kênh, thật tốn kém.

Nạn đốt rơm vừa gây mất mỹ quan, lại cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người đi đường. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra. Nên chăng các hợp tác xã (HTX) vận động bà con cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu. Mỗi HTX nên có một điểm tập kết rơm rạ thuận tiện để xử lý đốt, hoặc ủ làm phân, hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò chống rét mùa đông. Làm tốt việc này vừa đảm bảo an toàn giao thông, tránh hoả hoạn, lại tiết kiệm, tận dụng được những sản phẩm phụ của nông nghiệp.

Cũng nên có một chế tài xử phạt thật nghiêm minh với những ai cố tình vi phạm. Hoặc thông báo trên hệ thống thông tin đại chúng (loa truyền thanh, bảng tin…) để người vi phạm “ngại” mà không tái phạm nữa. Khi bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá” cũng nên coi đây là một tiêu chí. Như vậy chắc chắn sẽ giảm thiểu được nạn đốt rơm hoặc xả rơm bừa bãi xuống kênh mương, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của ngành thuỷ lợi.

Việc này đòi hỏi ý thức của người dân, nhưng cũng cần các ngành chức năng sớm vào cuộc để sớm chấm dứt hiện tượng không đẹp mắt nói trên.

Nguyễn Thị Diệp
 (xã Đức Thượng - Huyện Hoài Đức - Hà Nội)