Phiếm đàm

Đầu năm Thân, chàng rể tương lai chúc tế bố vợ

Tính cách và hình hài con khỉ là một mảng gương để soi tìm sự tương quan với con người trong con mắt dân gian

Đầu năm Thân, chàng rể tương lai chúc tế bố vợ - 1

Đầu xuân Bính Thân, một chàng trai đến chúc Tết và ra mắt gia đình người yêu. Sau màn chào hỏi, ông bố cô gái hỏi chàng trai:

- Tôi hỏi khí không phải, anh tuổi gì nhỉ?

Chàng trai hơi lúng túng:

- Dạ, thưa bác cháu tuổi Thân ạ!

Ông bố cô gái hỏi tiếp:

- Anh có biết tuổi Thân của anh như thế nào không? Ý tôi muốn nói là có những thuận lợi và khó khăn gì trong cuộc sống ấy?

Chàng trai nhỏ nhẹ:

- Dạ, cháu còn trẻ nên cũng không rõ lắm ạ! Chỉ biết cao dao xưa có câu: "Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Mà sao tôi lại ngậm ngùi tuổi Thân", chắc là tuổi này lận đận, vất vả lắm bác ạ!

- Anh cũng nghĩ thế chứ? - Ông già hỏi.

Chàng trai đáp:

- Vâng, tuổi Thân thì thân làm thân chịu ạ! Tuy nhiên, cũng chính từ vất vả, nhọc nhằn đó đã buộc cho mình phải cố gắng vượt qua, vươn lên và trưởng thành trong cuộc sống.

Ông già nói:

- Anh có bản lĩnh đấy, chẳng thế mà người xưa còn có câu: "Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân/ Sinh vào giờ Dần thì sống như tiên", anh thấy thế nào?

Chàng trai:

- Dạ cháu thấy sống như tiên thì chưa biết, nhưng sướng khổ là vấn đề mà con người phải trải qua, phải chấp nhận không tránh né được. Có điều mình phải cố gắng thôi ạ. Sướng khổ thế nào nhiều khi còn là quan niệm của mỗi người nữa ạ!

Ông già hơi gật đầu:

- Anh có bản lĩnh đấy! Tôi hỏi tiếp nhé: Anh thấy loài khỉ thế nào?

Chàng trai đáp:

- Dạ, loài khỉ có đặc tính giống loài người, nhanh nhẹn thông minh, ưa nhảy nhót... Có lẽ vì thế mà nhà văn Ngô Thừa Ân ở Trung Quốc đã xây dựng nhân vật Tôn Ngộ Không có tài biến hóa, "mắt lửa con ngươi vàng" phát hiện và trừng trị được các loài yêu quái, cúc cung tận tụy phò tá Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Ở khía cạnh nào đó loài khỉ cũng gan lì lắm, tục ngữ Việt Nam có câu: "Rung cây dọa khỉ" hay "Rung cây nhát khỉ" để nói về sự hăm dọa một ai đó nhưng không có tác dụng, không hiệu quả, bởi vì khi gặp người là khỉ tót ngay lên cây cao, người có rung cây thì nó bám rất chặt, không thể rơi xuống được. Khỉ đối đáp cũng rất giỏi, ca dao nói: "Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm? Con chó chê khỉ lắm lông/ Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài...".

Ông già cười:

- Hà! Hà... Thế khỉ không có gì xấu à?

Chàng trai trả lời:

- Dạ, nhiều chứ ạ! Người ta có những câu: "Nhăn nhó như khỉ ăn gừng", "Mặt nhăn như khỉ ăn ớt", "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà", "Như khỉ mặc áo tế", "Cóc đi guốc, khỉ đeo hoa"... để nói lên bộ dạng xấu xí hay tính xấu của khỉ.

- Còn gì nữa không? - Ông già hỏi tiếp.

Chàng trai:

- Dạ, khi mắng mỏ, quở trách ai, người ta cũng lôi con khỉ ra, chẳng hạn: "Đồ khỉ" hay "đồ khỉ gió" để ám chỉ những người không nghiêm túc, không đứng đắn, nghịch ngợm; hoặc có những câu: "Khỉ gió", "khỉ khô", "khỉ mốc"...

Ông già gật đầu, hỏi tiếp:

- Anh biết câu "Khỉ ngồi bàn độc" là gì không?

Chàng trai đáp:

- Câu này nói những kẻ không có tài năng mà lại làm quan to ạ!

- Anh đã xem bộ phim khoa học của nước ngoài về con khỉ đột khổng lồ chưa? - Ông già hỏi.

Chàng trai ngạc nhiên:

- Cháu xem rồi ạ! Chắc là bác cũng đã xem? Đây là bộ phim khoa học giả tưởng có xuất hiện nhân vật King Công là con khỉ đột khổng lồ. King Công là con vật được hư cấu trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh. King Công nổi tiếng khắp thế giới từ bộ phim cùng tên năm 1933 và được tiếp tục làm lại vào năm 1976 và 2005, nghe nói năm 2016 này lại khởi quay nữa. Con khỉ đột khổng lồ này rất mê một cô gái, và do đó nó "không chết vì bị bắn, mà chết vì một giai nhân" như lời một đạo diễn, bác ạ!

Ông già lại cười:

- Tôi hỏi anh nhiều về loài khỉ vì nó cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà làm phim, mà toàn là những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới. Câu chuyện đã khá dài rồi, tôi hỏi anh câu cuối nhé: anh có biết câu ca dao nào nói về con khỉ rút kinh nghiệm trong cuộc sống từ ăn một trái chanh chưa?

Chàng trai đáp:

- Dạ, có phải câu này không ạ: "Con khỉ ăn một trái chanh/ Ngỡ rằng trái chín trên cành thì ngon/ Ruột chua loét, vỏ bồ hòn/ Cắn rồi liền nhả, lăn tròn trái chanh/ Ê răng khỉ mới dặn mình/ Phải dò trong ruột, chớ tin bề ngoài".

Ông già gật đầu:

- Đúng vậy! Nhân dịp năm Bính Thân này, tôi rất cám ơn anh đã đến nhà chúc Tết và nói chuyện. Còn việc tìm hiểu của anh và con gái tôi, tôi không ngăn cản, không câu nệ tuổi anh là tuổi Thân hay tuổi con gì, mà điều quan trọng là hai người phải thực sự hiểu và yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng một tình cảm chân thành, trong sáng, chứ đừng như con khỉ ăn và nhả trái chanh chua loét trên. Con gái tôi, tôi cũng thường dặn như vậy, anh thấy thế nào?

Chàng trai cúi đầu:

- Dạ, con cảm ơn bác!...

Đặng Việt Thủy