Đạo đức lương y đã tới lúc cần "nâng cấp"!

(Dân trí) - “Ngành y tế cần chấn chỉnh lại tư cách đạo đức cho nhân viên y tế nếu không tôi e là các vụ hành xử bạo lực sẽ còn càng tiếp diễn tại các cơ sở y tế…” - lời cảnh báo từ trang pham: thientranghp@gmail.com cũng là điều mà bao người dân mong mỏi.

Cái tâm lương y

 

Chắc chắn rất nhiều người có chung tâm trạng với tôi khi từng một lần chăm người nhà tại bệnh viện. Và tâm trạng đó chỉ cần diễn tả vỏn vẹn bằng hai từ: bức xúc.

 

Đó là vào năm 2007 khi em gái tôi bị tai nạn trên đường đi học do một chiếc xe ô tô tải nhỏ gây ra và được người đi đường đưa vào bệnh viện V.Đ cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Sau đó gia đình tôi mới nhận được tin. 

 

Hoảng hốt và lo lắng, tôi cuống cuồng đưa mẹ vào viện thì bắt gặp ngay một cảnh tượng thật đau xót: em tôi nằm trơ khấc nơi hành lang khoa cấp cứu, mặt mũi biến dạng, máu trên đầu, tai, mũi và miệng không ngừng chảy… Nhưng lạ thay, sao khoa cấp cứu mà chẳng có một bác sĩ hay y tá nào sốt sắng sơ cứu như trong những bộ phim có liên quan đến bệnh viện, bác sĩ mà tôi thường xem.

 

Tôi để mẹ đứng đó với em, mắt đỏ hoe chạy đi tìm bác sĩ. Đến một chiếc bàn ở giữa khoa cấp cứu, tôi thấy rất nhiều người mặc blu trắng đang ngồi và bàn luận về một điều gì rất rôm rả. Tôi tiến lại gần và không quên nói câu xin lỗi trước khi hỏi ai là bác sĩ. Tất cả quay sang tôi như nhìn... một vật thể lạ, rồi một người trong số đó hỏi: "Người nhà làm sao, đóng tiền tạm ứng cho bệnh viện chưa… nếu chưa đi đóng đi rồi về đây nói chuyện tiếp". Tôi luống cuống đề nghị: "Nhưng bác sĩ xem giúp em em xem có làm sao không mà máu vẫn chảy nhiều lắm".  Một vị miễn cưỡng đáp: "Tiền chưa đóng, khám thế nào được. Cứ đóng đi rồi đưa biên lai về đây".

 

Chạy đi đóng tiền mà lòng tôi vô cùng run  sợ, chỉ lo để chậm em tôi gặp phải chuyện không hay. Lại ‘lực bất tòng tâm” khi tiền thì có rồi nhưng không làm sao có thể len lỏi qua hàng rào ken đặc toàn người là người. Phải đến nửa tiếng sau tôi mới nắm trong tay được chiếc biên lai, đưa về cho bác sĩ mà trong lòng hết sức ấm ức bởi sự lạnh lùng và nguyên tắc tới mức vô cảm của các y bác sĩ làm tại một cái khoa mà nghe tên đã thấy “nóng hổi” – cấp cứu.
 
Đạo đức lương y đã tới lúc cần "nâng cấp"! - 1

Vụ việc người nhà đem thi thể bệnh nhân tử vong đặt trước cửa BV đa khoa Năm Căn mới đây

 

Cũng may là em tôi không gặp phải biến chứng nào, nếu không thật đau lòng cho cái gọi là “lương y như từ mẫu” - điều mà bao người đã ca thán suốt bao lâu nay mỗi khi có việc cậy nhờ đến bệnh viện ở nước ta. Đó chỉ là một câu chuyện tại khoa cấp cứu. Còn ở các khoa khác như điều trị, hồi sức... thì ôi thôi là các seri bức xúc khác mà có lẽ chẳng bao giờ đến hồi kết.

 
Tuy nhiên, cũng thật thiếu công bằng khi không nói đến những vị bác sĩ, y tá có tấm lòng nhân ái, tận tình giúp đỡ bệnh nhân như ở khoa Răng Hàm Mặt của bệnh viện nổi tiếng này.

 

Từ trên khoa Thần kinh chuyển xuống với "tinh thần" đã được chuẩn bị sẵn, gia đình tôi cũng đinh ninh cũng sẽ phải “bôi trơn” như khi nằm tại khoa trước. Nào ngờ khi đưa phong bì cho bác sĩ cũng như các điều dưỡng viên ở đây thì họ đều từ chối, nhất định không nhận dù gia đình giải thích chỉ là "chút quà cảm ơn".

 

Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy vẫn còn người tốt, nhưng lo vì không hiểu có phải tốt thật không hay họ muốn “cảm ơn” theo hình thức nào? Rồi một điều dưỡng viên (tôi nhớ tên Lan - chị khá to béo) nhẹ nhàng nói với mẹ tôi: “Cô ơi, cô yên tâm chăm sóc em, chúng cháu ở đây là để phục vụ, giúp đỡ bệnh nhân. Có gì cần cô cứ gọi, đừng ngại. Tuyệt đối đừng làm như thế thêm lần nào nữa nhé, bác sĩ sẽ tự ái đấy!”

 

Quả thật, không phải chỉ gia đình tôi mà như chúng tôi nhận thấy,  những người bệnh khác cũng đều được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên ở đây đối xử tốt như vậy. Khi đó, tôi đã thầm nghĩ rằng những thầy thuốc ở đây là những tấm gương sáng để các học trò trường y noi theo... Tôi đã có cái nhìn khác về các y bác sĩ. Đúng là không thể “vơ đũa cả nắm” chỉ vì những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến người dân phải lên tiếng kêu ca...

 

Đạo đức và chuyên môn

 

Liên tiếp trong thời gian vừa qua xảy ra không ít vụ hành xử bạo lực có liên quan đến các y bác sỹ. Điển hình là hai vụ làm rúng động dư luận tại bệnh viện Năm Căn (Cà Mau) và vụ án mạng thương tâm tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình). Và mới đây nhất lại xảy ra vụ việc "viên thuốc 14 triệu".
 
Chia sẻ suy nghĩ về đạo đức của một bộ phận không nhỏ "lương y ngày nay", lêtuấn: tuanle60@yahoo.com bức xúc: “Ngành y thời nay đã bị biến tướng. Rất nhiều y bác sĩ hách dịch, làm tiền bệnh nhân, sung sướng trên sự đau khổ của người khác. Đến bệnh viện thấy nhiều bác sĩ lạnh lùng đối lập với những bệnh nhân còm cõi, đau yếu, sao mà đau lòng... Y đức có còn được dạy ở trường y không vậy, thưa các y bác sĩ…?” 
 
Đạo đức lương y đã tới lúc cần "nâng cấp"! - 2

Một góc nhà riêng bác sĩ Trần Thiện Thanh bị đập phá, cướp bóc

 

“Hành động giết bác sĩ của người nhà bệnh nhân như vậy là không thể chấp nhận được, cần phải được pháp luật xử nghiêm minh. Nhưng “các bác” ơi, tôi không “rành” lắm về công tác “cứu người” của Ngành y “các bác” nhưng chính bản thân tôi khi đau bệnh được người nhà đem vào cấp cứu cũng thường hay bị để nằm đó khoảng hơi lâu mới được y tá đến hỏi vài câu, đo huyết áp rồi mới đến “các bác” thăm khám. Nếu tôi bị giống như trường hợp của bệnh nhân trên chắc tôi “ngủm” từ lâu rồi” - Võ Ngọc Thành chia sẻ.

 

Là người cùng ngành, nhưng truong tieu phuong: ptrang0207@yahoo.com cũng có thái độ hết sức rõ ràng với những “đồng nghiệp” biến chất:  “Bản thân tôi là một người làm trong ngành y, cũng có những thông cảm cho các BS và nhân viên của BV. Nhưng sau khi đọc được những tin tức như thế này, tôi thật sự tức giận. Giận những con người học ra nghề để giúp nhân dân, người bệnh và hơn nữa là đồng loại của mình. 14 triệu 1 viên thuốc? tôi cảm thấy thật hãi hùng! Thế nhưng vì BS kêu phải uống thì BN nào dám chối từ. Với tôi, khi BS đã làm mất con người của mình vì đồng tiền thì hãy mạnh tay mà trừng trị. Hãy treo bằng của vị BS này để ông ta có thể nhận thấy công sức học tập của mình đã đi theo sự biến chất của ông ta”

 

Bức xúc trước thái độ vô cảm của một bộ phân lương y với nỗi đau của người bệnh, bạn Daotham lên tiếng: “Bác sỹ ngày nay cũng có nhiều dạng bác sỹ. Không phải vì áp lực mà đối xử với bệnh nhân một cách hờ hững. Tôi lấy một VD để thấy đạo đức của giới y bác sỹ đáng lên tiếng. Hôm qua tôi đến bệnh viện Bưu địện 2 để khám mắt vì mắt tôi bị đau nặng, lúc đó là 16h25 vẫn chưa hết giờ làm việc là 4h30 nhưng bộ phận làm thủ tục vẫn không cho tôi đăng ký khám bệnh. Trong khi phòng khám mắt bác sỹ vẫn còn khám cho bệnh nhân. Cuối cùng tôi được bác sỹ khám bệnh và hẹn ngày mai vào lấy thuốc. Mặc dù tôi là nhân viên trong ngành và có đăng ký bảo hiểm tại bệnh viện này. Tôi thật sự bất bình trước thái độ phục vụ của nhân viên tại đây”

 

Diệu: diepHBN@gmail.com đau lòng khi phải nói lên thực trạng vẫn đang ngày ngày diễn ra tại những cơ sở y tế: “Đây chỉ là việc làm bắt cóc bỏ đĩa thôi, bên ngoài còn không ít y bác sĩ  giờ chỉ tâm niệm câu châm ngôn: "vật chất quyết định lương y". Trách nhiệm ở đây, theo tôi nghĩ, do cả 3 bên đó là Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM và BV Bình Dân. Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM nắm rõ giá thuốc nhập khẩu và bán ra nhưng không thanh kiểm tra, còn BV thì chỉ chăm lo làm sao cho đông bệnh nhân mà chẳng thèm hội chuẩn về thuốc nên điều trị trong khoa và trong kho của BV thế nào... Nên giờ mới có tình trạng bệnh nhân vào viện khám nhưng thuốc thì “ra ngoài” mua và dĩ nhiên thuốc “ra ngoài” mua này là những thuốc bác sĩ đã có hoa hồng hay có % trên giá hộp thuốc”

 

“Qua rất nhiều sự việc liên quan tới đạo đức của y bác sỹ, Nhà nước mình cũng nên kiểm soát chặt chẽ hơn việc đào tạo trình độ chuyên môn đạo đức cho các y bác sỹ, đặc biệt là thế hệ tương lai. Tôi từng là sinh viên và chứng kiến cảnh sinh viên trường y chạy điểm mua điểm là thường xuyên, vậy thì trình độ sinh viên ra trường liệu có đảm bảo không? Qua sự việc trên, đề nghị BV Bình Dân và công an vào cuộc điều tra trả lại tiền oan cho người bệnh. 14 triệu không hề nhỏ. Người dân không thể mất trắng 14 triệu như thế được” – đó là lời nhắn của của MrRed: thered_ks@yahoo.com

 

Thật không công bằng cho những lương y có tài đức nếu Bộ y tế, cũng như các ngành liên quan không sớm can thiệp nhằm loại bỏ những “con sâu” dưới chiếc áo blu trắng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng nên thường xuyên mở lớp bồi dưỡng về đạo đức, về cách ứng xử với bệnh nhân bên cạnh các lớp nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ.  

 

Linh Nhã