Bạn đọc viết:

Cuộc họp báo Giọng Hát Việt và cuộc phỏng vấn Adam Levine

(Dân trí) - Với tư cách là một khán giá yêu âm nhạc, tôi đã tự nhủ sẽ không viết thêm về Giọng hát Việt, vì dường như những gì diễn ra trên sân khấu và hậu trường sân khấu của Giọng hát Việt đã nói lên tất cả.

Adam Levine
Adam Levine

 

Tuy nhiên, trước những gì diễn ra tại cuộc họp báo để “bầu cử” Phương Uyên ở lại làm giám đốc âm nhạc, mà thực chất là qua đó khẳng định “sự minh bạch” của chương trình, tôi buộc phải viện dẫn đến “người trong cuộc” Adam Levine - một trong 4 giám khảo phiên bản gốc của The Voice, và cũng là người có thí sinh thắng cuộc trong mùa đầu tiên.

 

Trong bài phỏng vấn với Neil Genzlinger ngày 24/2/2012 trên tờ The New York Times, khi được hỏi “thời gian làm việc trực tiếp (face time) mà các huấn luyện viên giành cho các thành viên của đội là bao lâu?”, Adam Levine đã trả lời  như sau: 
 
“ Thời gian chúng tôi làm việc  cùng với các thí sinh được kiểm soát/ giám sát rất cẩn thận, vì mọi người không muốn bất kỳ ai được thiên vị. Chúng tôi không muốn có những việc xảy ra đằng sau lưng người khác. Tất cả mọi người đều dành cùng một lượng thời gian với từng nghệ sĩ. Tôi nghĩ, đấy là điều quan trọng, vì điều đó đảm bảo một sân chơi bình đẳng (nguyên văn: The time we do spend together is very carefully monitored, because they do not want people playing favorites; they don’t want things going on behind people’s backs. Everyone has the same amount of time with each artist, which is important, I think. It keeps everybody on an even playing filed).

 

Cũng cùng trong bài phỏng vấn, khi được hỏi về việc các huấn luyện viên huấn luyện thí sinh cụ thể thế nào, Adam Levine trả lời: “IT’S LESS ABOUT WHAT WE WANT, AND MORE ABOUT NURTURING THEM IN WHAT THEY WANT  (tạm dịch như sau: "Ít thiên về việc chúng tôi muốn gì, mà thiên nhiều về việc hướng dẫn, bồi dưỡng họ làm những điều họ muốn").

 

Đây chính là tính chuyên nghiệp và bản chất của cuộc thi, đảm bảo sự trong sáng, minh bạch, đồng thời đi tới mục đích tìm ngôi sao thực sự, chứ không phải diễn kịch với khán giả để đưa "người tôi thích" vào đóng vai chính.
 
Các HLV lên tiếng bênh vực Phương Uyên và muốn giữ cô ở lại (ảnh: Lý Võ Phú Hưng)
Các HLV lên tiếng "bênh vực" Phương Uyên và muốn giữ cô ở lại (ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

 

Cũng tương tự, trong mùa 6 hoặc 7 của Idol (USA), Paula Abdul - một thành viên ban giám khảo cũng đã bị dính tới việc dành thời gian “không hợp pháp” cho một thí sinh mà cô có cảm tình, dù chỉ là để “hướng dẫn” thêm về giọng hát.

 

Cuộc họp báo của Giọng hát Việt (mà theo tôi thấy, thực chất là màn trình diễn "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của công ty sản xuất) không đi vào giải trình và phân tích vấn đề chính của scandal. Đó là: Việc Giám đốc âm nhạc có hành vi như vậy có tuân thủ theo đúng luật chơi và tính pháp lý của format.  Những gì khán giả thấy (dù rằng đấy là cuốn băng bị edit theo chủ đích cá nhân riêng là:

 

(1) Phương Uyên đã: vi phạm qui định của format về việc giao tiếp, nói chuyện riêng, làm việc riêng cho một thí sinh đằng sau lưng các thí sinh khác.

 

(2) Các huấn luyện viên và Giám đốc âm nhạc đã không tuân thủ luật chơi  (vì kể cả là gameshow chứ không phải là một cuộc thi cũng cần có luật chơi) khi dùng ảnh hưởng và sở thích cá nhân để đưa thí sinh vào một sân chơi không bình đẳng. 

 

Theo tôi, cuộc họp báo của công ty biểu diễn chỉ là một hành động “quản lý khủng hoảng” mà công ty bắt buộc phải làm cho có làm, với chủ ý đánh lạc hướng dư luận, hòng lẩn tránh vấn đề pháp lý với công ty sở hữu format nước ngoài, cũng như những cam kết quyền lợi với nhà tài trợ nếu sự việc bị đưa ra ánh sáng. Cuộc họp báo của The Voice, do đơn vị sản xuất chính thống tổ chức, không thể nào lại giống như cuộc gặp mặt với báo chí của ca sĩ Cao Thái Sơn với màn giơ tay biểu quyết “chuẩn man”.

 

Tôi không ghét bỏ Phương Uyên hay nghi ngờ tài năng của chị. Và tôi cũng thông cảm với áp lực của công luận đối với Phương Uyên, Cát Tiên Sa và những người trong cuộc. Nhưng sai thì phải sửa và phải sửa đàng hoàng.

 

Khán giả không dại dột, không phải là con rối trong tay các bạn. Và đặc biệt, các bạn đừng nên lôi các thí sinh vào cái chỉ có thể gọi là "màn hài kịch" này. Các em còn trẻ, cần được giáo dục trước tiên về đạo đức và tư cách nghệ sĩ. Và các huấn luyện viên, nếu thực sự có tâm với nghề và với các em, và những giọt nước mắt của các anh chị là thật thì hãy chứng tỏ đạo đức và tư cách của mình trong chính cuộc “khủng hoảng” này. Tôi nghĩ, “khủng hoảng” này chính là một cơ hội cho các anh chị lấy lại chính mình đó.   

 

Nguyễn Thu Hồng (Một khán giả yêu nhạc)

email:  hong.nguyenthu1984@gmail.com