Công bằng không phải là cào bằng

Một xã hội tiến bộ, văn minh, một quốc gia bền vững, hùng cường phải có được sự công bằng cao giữa những con người.

Đảng ta cũng đã đề ra phương hướng phấn đấu dài lâu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh – những điều thật dễ hiểu, đầy sức thuyết phục. Nhưng đạt được không dễ dàng, phải qua một quá trình phấn đấu gian khổ và nhiều thử thách lớn lao.

 

Khái niệm công bằng xã hội không phải bỗng dưng mà có. Nó được xuất phát từ một truyền thống tốt đẹp của đạo lý ông cha: “Nhân nào, quả nấy”, “Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo”, “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Tất cả đều gần gũi nhau ở một ý nghĩa: Con người ta sống ra sao, hành động thế nào thì sẽ nhận được kết quả (hoặc hậu quả) tương xứng. Người ta gieo gì sẽ gặt nấy. Cô Tấm thảo hiền, chịu thương chịu khó, tử tế, nết na dù có bị đày ải, tủi cực, bị bọn ác cố ý trừ diệt nhưng cuối cùng trở thành hoàng hậu, được vua sủng ái. Ngược lại, mẹ con mụ dì ghẻ và Cám độc ác, tàn bạo, quyết tâm hãm hại Tấm đến cùng, rốt cuộc bị chết thảm hại. Đó là sự công bằng. Thạch Sanh cũng vậy: Chàng đốn củi nghèo khổ nhưng nghĩa hiệp cuối cùng đã được làm phò mã. Còn tên Lý Thông gian manh, quỷ quyệt rốt cuộc bị sét đánh chết, biến thành con bọ hung. Đó là sự công bằng. Đạo lý này luôn được thể hiện rõ ràng, đậm nét trong văn học dân gian Việt Nam. Không có điều này, tất cả sẽ bị đảo lộn. Chừng nào sự công bằng không được ngự trị trong cuộc sống, chừng đó còn lắm thứ lộn xộn và xứ sở sẽ khó thoát được nhiễu loạn.

 

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy điều cơ bản tốt đẹp đã có: Chế độ ưu việt, mọi người dân được làm chủ mình, không còn tình trạng nguời bóc lột người. Sau bao nỗ lực, Đảng ta đã quyết tâm phấn đấu dành được sự ưu việt trên mà trước khi có Đảng, dân ta không thể được hưởng hạnh phúc ấy. Nhưng rồi lịch sử phát triển, xã hội biến đổi, nền kinh tế thị trường thời mở cửa có rất nhiều tác động đến mọi bình diện của xã hội. Không còn chỉ đơn giản là tất cả mọi người cùng hướng tới việc quét sạch bóng quân xâm lược để dành độc lập tự do như trước mà giờ đây người ta có rất nhiều cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng rõ; sự phân biệt đẳng cấp giữa người có quyền lực và những người dân bình thường cũng rõ rệt hơn.

 

Công bằng xã hội đã không được duy trì và đây đó người ta đã thực thi những việc đầy tính chất bất công, ngược lòng dân: Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn sáng suốt, đúng đắn, hợp với những quy luật biện chứng cuả phát triển xã hội, nhưng nhiều nấc ở dưới, nhiều ngành, nhiều cấp đã không thực thi nghiêm chỉnh những chủ trương đó. Họ đã gây nên bao nỗi đau khổ không đáng có cho người dân lương thiện, do chỗ hoặc là trình độ còn hạn chế, bất cập với yêu cầu, nhiệm vụ, hoặc là tà tâm, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả. Hàng trăm, hàng nghìn những vụ kêu oan ở khắp nơi. Không phải là hiếm thấy những người có đức, có tài không được trọng dụng, thậm chí bị ngược đãi, trong khi kẻ bất tài, bất lương lại được ngồi vào ghế quyền lực để làm ngưng trệ mọi công việc và tìm cách hãm hại người tốt, có tài. Rồi những người làm ra lúa gạo, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì cực khổ trong khi đông đảo những bọn người nhởn nhơ buôm bán, lừa lọc chốn thị thành thì kiếm tiền dễ dàng, tiêu tiền như rác, sống phè phỡn, buông thả, có khi còn phạm pháp mà vẫn được đủ thứ ô dù che chở.

 

Xã hội hôm nay bỗng dưng sản sinh ra một tầng lớp người siêu giàu có, được gọi là “đại gia”. Một bộ phận trong số họ đã có được tiền từ sự làm ăn bất chính hoặc tham ô, tham nhũng. Họ đã sống đế vương mà bất chấp mặt bằng đời sống chung của cộng đồng. Vụ mấy quan chức ở Sóc Trăng đánh bạc tiền tỉ, vụ một số khách làng chơi mua dâm những chân dài với giá hàng chục triệu cho một lần “vui vẻ”, vụ con trai một quan đầu tỉnh xây dinh thự trăm tỉ giữa vùng quê nghèo… đã khiến tất thảy những người có lương tri phải “sốc”, bởi vẫn còn rất nhiều cảnh ngộ thương tâm, không thể đắp đổi cuộc sống hàng ngày hoặc nằm chờ chết vì không có tiền chữa bệnh. Lại nữa: Những em học sinh chăm chỉ, có chí, học giỏi thì không theo được đại học chỉ vì nhà nghèo không đủ nộp quá nhiều khoản phí.

 

Những trí thức, văn nghệ sĩ chất xám luôn đầy ắp, đóng góp nhiều cho xã hội mà không có nổi một căn nhà đàng hoàng để ở và làm việc, đặng có điều kiện tiếp tục cống hiến cho xã hội. Cùng bằng cấp, năng lực cống hiến như nhau trong các cơ quan Nhà nước nhưng người trí thức làm việc ở cơ quan A chỉ thu nhập vài ba triệu đồng/tháng, trong khi người khác làm ở cơ quan B có lương gấp hàng chục lần. Người làm việc trong ngành kiểm lâm vất vả nguy hiểm có lương trung bình chỉ 2 triệu/tháng, trong khi một nhân viên ngân hàng lương tới vài ba chục triệu, lắm “sếp” thì tới cả trăm triệu. Đó là một sự thật đang diễn ra rất bất công bằng, cần đựơc điều chỉnh.

 

Tình trạng người làm việc nhiều lại hưởng thụ ít và ngược lại, rồi người kém cỏi chỉ huy người tài giỏi, người có công bị bạc đãi trong khi kẻ phá hoại lại được tôn vinh không phải là quá hiếm hoi ở các địa phượng, các giới, các ngành. Đó chắc chắn phải là nỗi đau của toàn Đảng, toàn dân.

 

Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với mức trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng so với mức bình quân 1,8 triệu đồng/tháng). Tại thành phố Hồ Chí Minh, con số chênh lệch còn lên đến 109 lần (240 triệu đồng/ tháng so với 2,2 triệu đồng/tháng). Phân tầng về thu nhập và mức sống cũng diễn ra sâu sắc theo các nhóm nghề nghiệp, việc làm. Nhóm nhân lực có thu nhập được xếp vào loại “đỉnh”, “hot” là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh… đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bác sĩ tại một số bệnh viện, phòng khám tư nhân…Nhóm này có thu nhập từ 1.000USD/tháng trở lên. Ngược lại, nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài, với khoản thu nhập khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/tháng. Thu nhập của công nhân tại các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ khoảng 900 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/tháng.

 

Nhưng để khắc phục tình trạng không công bằng, nhiều nơi đã suy nghĩ rất đơn giản, giải quyết chia đều quyền lợi cho mọi người, để cho vui vẻ cả. Tất cả như nhau bất kể mức độ hy sinh, cống hiến, đóng góp của các thành viên rất khác nhau. Như vậy là san bằng, cào bằng chứ không phải là công bằng. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, lương người thủ trưởng gấp rất nhiều lần so với người có lương thấp nhất trong cơ quan. Và lương đó là công khai. Ngoài ra, không có bất cứ khoản nào khác. Tất cả đều được tính vào lương chứ không có những “chế độ” đặc biệt nào (ví như sử dụng ôtô chẳng hạn). Còn ở ta? Thường sự chênh lệch chỉ là gấp đôi, gấp ba. Chính vì sự bất hợp lý ấy nên nhiều vị sếp  mới phải nghĩ tới những cách thu nhập thêm, không thể công khai để bù lại sự thiệt thòi. Và thế là tham nhũng, tiêu cực đã rất nhiều khi khởi nguồn từ đây.

 

Sự thiếu công bằng xã hội còn dẫn tới nhiều hậu quả khác mà sự lộn xộn, bất tuân thủ pháp luật, sự xuất hiện tội phạm chính là những hệ lụy tất yếu. Để đẩy lùi những mặt trái của xã hội, để khích lệ mọi tài năng cống hiến tốt nhất cho cộng đồng, cách tốt nhất là hãy bằng mọi cách đạt được công bằng xã hội, dẫu chỉ là tương đối.

 

Theo Nguyễn Hưng

Năng lượng Mới