Bạn đọc viết:

Còn đâu lời Xẩm bà Cầu

(Dân trí) - Xẩm của bà Cầu là Xẩm chợ - loại điển hình nhất cho cuộc đời của những người hát Xẩm: khiếm thị, nay đây mai đó lấy tiếng hát nuôi thân. Họ cũng là những “nghệ sĩ dân gian” với “sân khấu” chỉ là một manh chiếu trải nơi góc chợ, bến đò…

Còn đâu lời Xẩm bà Cầu
 
Mấy hôm nay, tin nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã rời bỏ trần gian, mang theo tiếng hát độc đáo nhất của một dòng nghệ thuật dân gian sinh ra trong đói nghèo, được nuôi dưỡng bằng tình thương của thiên hạ, khiến những người say mê âm nhạc dân gian dẫu cũng đã đoán định được trước bởi quy luật sinh tử, nhưng vẫn không khỏi cảm giác hụt hẫng, trống trải.

 

Câu chuyện về  Xẩm, về một đời nghệ sỹ dân gian đương đầu với khổ đau, kiếp nghèo để dồn tình yêu vào lời Xẩm trở thành một tinh thần ngạo nghễ, luôn coi lẽ đời  “tham lam làm chi, đời người ngắn ngủi lắm mà”… khiến ta như vẫn thấy câu hát Xẩm của bà Cầu vẫn còn ngân xa đâu đó giữa trưa mùa Xuân ngưng đọng...

 

Người ta bảo nghiệp hát Xẩm như vận vào cuộc đời bà cho đến lúc về già. Vốn liếng của bà chỉ giàu về ngón đàn, giọng hát. Cả đời bà chỉ biết có Xẩm, sống nhờ vào những đồng tiền lẻ, những củ khoai củ sắn, con cá, mớ rau… của bao người vì yêu tiếng hát của bà mà san sẻ.

 

Không ít lần bà khóc khi kể về quãng đời khó nhọc và cô đơn, nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt khắc khổ, hằn sâu những vệt thời gian. Khổ một đời, nghèo suốt kiếp người. Nhưng lạ cái chưa lúc nào bà ngừng hát. Tiếng hát của bà vang lên dù ở trong ngôi nhà vốn chẳng khang trang, hay ngay trên những sân khấu lớn mang tầm quốc gia thì điệu Xẩm vẫn thế. Nó vừa não nề, lại như rút cả ruột gan, song lại trong vắt, vang rền và nảy hạt như không hề bị những phiền lụy của thời gian vấy bụi.

 

Xẩm của bà Cầu là Xẩm chợ, tức là một thứ điển hình nhất cho cuộc đời của những người hát Xẩm, khiếm thị, nay đây mai đó làm nghề hát rong, lấy tiếng hát nuôi thân. Đó không phải là hành khất, ăn mày ăn xin ở đầu đường xó chợ. Mà là những “nghệ sĩ dân gian” với sân khấu chỉ là một manh chiếu trải ở góc chợ, bến đò, sau này tiến lên một bước là sân nhà ga, bến tàu điện nơi thành thị.

 

Xẩm cũng khiến bà có mặt khắp nơi từ Nam chí Bắc. Bà giữ Xẩm vì Xẩm nuôi sống bà, nuôi sống đàn con của bà, dù cái nghề bạc bẽo ấy chả vinh dự gì. Bà gắn bó thân thiết với Xẩm đến mức khi ngủ cũng phải đắp chiếu mới ngủ được, bởi đó là thói quen của những người hát rong bên manh chiếu rách.

 

Người ta chẳng bao giờ thấy bà tỏ ra buồn rầu hay đau đớn vì đã chọn Xẩm. “Từ khi còn ẵm ngửa đã theo mẹ đi hát Xẩm, rồi quen với Xẩm, với tiếng phách, tiếng nhị từ khi còn trong trứng thì còn gì khác nữa để mà lựa chọn” - Bà Cầu đã nói thế khi được hỏi sao không từ bỏ nghề này để chọn một công việc khác cho bớt cực.

 

Xẩm đối với Bà không chỉ là kế  sinh nhai mà như cơm ăn, như hơi thở, như nước uống hằng ngày. Dù nghèo khổ, bà thật sự hạnh phúc vì Xẩm. Xẩm đưa đôi chân bà đi khắp chốn cùng nơi, được nghe đủ mọi chuyện từ sang hèn đến hỉ nộ ái ố. Xẩm cũng đưa bà đến với những danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú, đến cả giải thưởng Đào Tấn dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc… Nhưng với bà, cảm giác hạnh phúc đôi khi vẫn chỉ là được những người dân nghèo nghe xong và bỏ tiền vào chiếc khay đặt giữa chiếu Xẩm đầu làng.

 

Nghe kể bà có thể hát hàng trăm bài Xẩm, không bài nào giống bài nào. Thậm chí có thể ứng khẩu mà kéo nhị thành những bài hát, những câu thơ như một nghệ sĩ sáng tác.

 

Tiếng nhị cứ như tiếng cứa, đau đến buốt lòng người nghe. Nói vui, bà hát vui, nói buồn, bà hát về nỗi buồn, nói nhân tình thế thái, bà hát về nhân tình thế thái...

 

Những ca từ Xẩm của Bà hàm chứa bao triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời, có khi lại là những câu hát với những chuyện ngược đời hài hước dí dỏm:
 
Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba/Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông/Người nằm xuống để cho lợn cạo lông/Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi/Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười/Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao/Lươn nằm để cho ống bò vào/Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô/Thóc giống đương giữ chuột trong bồ/Lòng đong, cân cấn để mổ cò xôn xao/Thớt kia mày định nghiến con dao/Một đàn con cóc chực đớp ông sao giời trên giời…

 

Minh Tư

(Phòng Tổ chức cán bộ - Công tác chính trị, trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội)