Bạn đọc viết

Chủ trương bỏ biên chế giáo viên: Nghĩ đi thì đúng, nghĩ lại thì không ổn

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và xem xét lại chủ trương này,. nếu không sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho ngành giáo duc và cho đất nước, mà người chịu hậu quả trực tiếp nhất chính là những các em học sinh thân yêu của chúng ta.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong những ngày qua, một tâm điểm thu hút sự qun tâm cúa dư luận, đặc biệt là ngành giáo dục, đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong ngành giáo dục, mà theo đó sẽ áp dụng chế độ hợp đồng, trên nguyên tắc có vào - có ra và sẽ những có chế độ đãi ngộ lớn cho đội ngũ các viên chức giáo viên, những người đang trực tiếp đứng lớp được xem là làm nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý. Theo Báo giới, đây là những thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục tại thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, khẳng định, trước mắt, Bộ chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mà sẽ thực hiện thí điểm đối với bậc THPT và Đại học.

Thông tin trên khi đến với người lao động trong cả nước, đặc biệt là đối với đội ngũ các giáo viên, trước sự tiếp cận của Báo chí đã tạo ra những luồng tranh luận trong dư luận, những suy nghĩ băn khoăn và những ý kiến trái chiều. Nhưng có một điều đặc biệt là, chủ trương trên đã không có được sự đồng tình ủng hộ của đa phần đội ngũ các giáo viên. Vì thế, cần thiết nhìn nhận lại chủ trương lớn này một cách khách quan, công bằng và đa diện từ thực tiễn.

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu cơ sở tiếp cận và đề xuất vấn đề từ góc độ pháp lý. Theo đó, đội ngũ các giáo viên của chúng ta hiện nay vẫn được xem là các viên chức, đối với các nhà giáo giữ chức vụ như Hiệu trưởng chẳng hạn thì là công chức, nên lao động của đội ngũ này chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật về lao động nói chung (Bộ luật lao động), Luật viên chức và Luật cán bộ công chức. Vậy, cơ sở pháp lý nào cho việc đề xuất chuyển từ chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng lao động đối với các Nhà giáo ?

Theo nghĩa chung nhất, biên chế được hiểu là sự sắp xếp một lực lượng theo một trật tự tổ chức nhất định, khi đó, những người trong biên chế là những người chính thức đang được làm làm việc trong một cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp thực hiện biên chế đó sẽ tuân theo những quy định của Nhà nước. Như thế, đối với các giáo viên đang theo chế độ biên chế là những người lao động chính thức trong các Nhà trường hay các cơ sở giáo dục khác mà tính chất lao động được điều chỉnh theo các quy định của Bộ luật lao động, Luật viên chức và Luật cán bộ công chức.

Trong thực tế hiện nay, khi các giáo viên đang trong biên chế thì có thể được hiểu là lao động của các thầy cô đang được thực hiện theo chế độ họp đồng lao động không xác định thời hạn được áp dụng theo những quy định chung của Bộ luật lao động, Luật viên chức và Luật Cán bộ công chức. Do đó, khi chuyển từ chế độ Biên chế sang chế độ hợp đồng thì có thể được hiểu là chuyển đổi giữa hai hình thức hợp đồng, đó là từ hợp đồng không xác ịnh thời hạn sang chế độ hợp đồng có xác định thời hạn. Tuy nhiên, trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành thì việc điều chỉnh về các loại hình lao động nói chung thì không có quy định nào xác định cụ thể việc chuyển đổi này, mà chỉ có các quy định về việc chuyển đổi từ chế độ hợp đồng có xác định thời hạn sang chế độ hợp đồng không xác định thời hạn.

Do đó, nếu thực hiện chủ trương này thì sẽ phải sửa đổi các luật gồm Bộ luật lao động, Luật viên chức và Luật Cán bộ công chức. Tuy nhiên, đây sẽ là một việc làm trái với nguyên tắc chung của pháp luật vì không theo hướng nhằm đảm bảo quyền lợi và những đãi ngộ cho người lao động nói chung, vì bởi lẽ không đảm bảo được sự ổn định để phát triển lâu dài cho người lao động, đó là chưa kể đến yếu tố mong muốn được cồng hiến của người lao động.

Đó là Cơ sở Pháp lý cho việc đề xuất vấn đề, vậy, về mặt thực tế, liệu chủ trương này có minh tính khả thi và tạo ra được hiệu qủa không ?

Chúng ta biết, nghề giáo nói chung và công việc dạy học nói riêng là một loại hình lao động đặc thù. Đây là một công việc đòi hởi những người lao động và làm nghề phải luôn luôn giữ được tâm thế và ổn định về ý thức tư tưởng. Khi đó, người dạy học phải luôn giữ được sự trong sáng trong mái đầu và loại bỏ tất cả những nỗi lo về “cơm, áo, gạo, tiền” khi thực hiện công việc giảng dạy. Bởi khi tư tưởng đã bị nhuốm màu tiền bạc thì người giáo viên đó sẽ không còn đủ tư cách làm thầy. Vì nếu ý thức về tư tưởng không ổn định, người giáo viên sẽ không thể tập trung cho giảng dạy, khi đó sự thiếu tập trung đó sẽ được truyền sang phía học trò, do đó dẫn đến việc các học sinh sẽ học hành không hiệu quả. Bởi lẽ, một khi nỗi lo bị cắt hợp đồng luôn chế ngự, lở lửng hay đè nên đầu giáo viên thì người giáo viên đó không thể quan tâm được cho học trò mà chi quan tâm đến chính bản thân mình.

Đây là một vấn đề hoàn toàn mang tính chất bản năng của con người, đặc biệt là ở những người lao động khi đang trong tư thế tự vệ trước chính mình và hoàn cảnh. Do đó, từ sự lệch lạc về tư tưởng sẽ dẫn đến mất khả năng kiểm soát và điều chỉnh hành vi, nên người giáo viên sẽ không còn giữ được chuẩn mực trong những hành dộng của mình. Như thế, những hệ lụy và hậu qủa sẽ dành cho các học sinh phải gành chịu.

Mặt khác, nếu như một trong những lý do của việc đề xuất chuyển đổi từ chế độ biên chế sang chế độ hợp đồng lao động đối với các giáo viên là nhằm thúc đầy hiệu qủa lao động của các giáo viên, có nghĩa các thầy cô sẽ phải luôn cố gắng hoàn thành công việc và tạo hiệu quả cao trong giảng dạy thì cần thiết phải nói thêm rằng, hoạt động giảng dạy là một loại hình lao động đặc biệt, theo đó hiệu quả loại hình lao động là rất trừu tượng và khó xác định, do sản phẩm lao động là những con người cụ thể. Hơn nữa, trên thực tế, tuyệt đại đa số các thầy cô hiện nay đã đều được qua qúa trình đào tạo cơ bản và bài bản, do đó ở các thầy cô đã luôn luôn có trong mình một ý thức về công việc và trách nhiệm cao, phần lớn các giáo viên của chúng ta hiện nay đều yêu nghề và tâm huyết với công việc. Vì thế, sẽ không thể tạo hiệu ứng nhằm tạo hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục theo hình thức tác động về mặt hợp đồng. Đó là chưa kể đến những hệ lụy, hệ quả và tiêu cực phát sinh trong việc muốn ổn dịnh và duy trì hợp đồng.

Do đó, nếu nhìn nhận một cách khái quát thì chủ trương lớn này không có cơ sở pháp lý để thực hiện, Còn về mặt thực tiễn thì không có tính khả thi và không tạo ra được hiệu quả cao hơn cho giáo dục, nếu như không muốn nói là mọi thứ sẽ còn theo chiều hướng xấu đi. Vì thế, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và xem xét lại chủ trương lớn mang tính lịch sử này, nếu không sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho ngành giáo duc và cho đất nước, mà người chịu hậu quả trực tiếp nhất chính là những các em học sinh thân yêu của chúng ta.

Lý Hải Chiều