Chợ đời

(Dân trí) - Chợ là nơi mua và bán, là nơi thể hiện quan hệ cung và cầu hàng-tiền, là nhân tố và thước đo của phát triển. Chợ còn là đặc trưng văn hoá của một vùng đất.

Người ta bảo, đến một vùng đất lạ, cứ ra chợ là biết "khí tượng" đời sống của vùng quê ấy là thế nào. Có về chợ phiên ở làng quê, ta mới thấm tháp vị đằm và dân dã của bánh đa, bánh đúc, tương cà, con cá, lá rau tươi non mơn mởn... Lên chợ tình Khau Vai ta mới hiểu cái si mê lạ lùng của các chàng trai, các cô gái vùng cao trong tiếng khèn gọi bạn và điệu váy xoè muôn sắc. Chả thế mà các cụ bảo: "Nhất cận thị, nhị cận giang". Ấy là cái tiện, cái lợi của thương trường vậy.

Tuy nhiên, chợ cũng có "thượng vàng hạ cám": Buôn gian bán lậu, cân đong điêu, tuồn cửa trước luồn cửa sau, chụp giật, tiền đè tình... Nói về sự rã đám người ta gọi là "chợ chiều"; nói về hàng nhái, hàng rẻ tiền người ta gọi là "hàng chợ"; nói về sự nhộn nhạo, dấm dúi... người ta bảo "chợ ấy mà". Tệ hại thay khi "văn hoá chợ" len lỏi, khuynh đảo các mối quan hệ, các giá trị, phẩm hạnh... Chính chợ thời thị trường hoá đã sinh ra "văn hoá phong bì", sinh ra chạy án, chạy việc, "đấu thầu" quyền chức, thành câu chuyện "đầu tiên" trong giao dịch, thành lì xì ngày tết cho các xếp... Ôi thôi, nó biến tướng thiên hình vạn trạng các kiểu mua-bán, ban bố bổng lộc, cánh hẩu, đục đẽo, phân hoá...

Cô cháu gái tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, xin dạy hợp đồng đã vài năm cho một trường nọ, đến kỳ thi tuyển công chức, cứ tin vào năng lực giảng dạy và hoạt động phong trào của mình hơn hẳn mấy cô hợp đồng khác nên thật thà lắm cơ, chả "lốp bi" trước kì thi. Đến lúc các cô kia trúng tuyển cả, còn cô cháu gái hồn nhiên và tự tin thì không, gia đình cháu mới vỡ ra rằng, hình như thi chỉ là hình thức, "bao thơ" mới là quyết định. Như vậy, giả sử có hiểu được cái thành ngữ "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" để được tuyển thì với cái lương mọn, hơn triệu đồng/tháng, biết đến bao giờ cô giáo trẻ mới "huề" vốn đây?

Điều đáng lo là, đội ngũ các thầy cô, nơi mà giá trị tâm hồn, đạo đức được trọng hàng đầu, vì đó là tấm gương, là sự truyền thụ những giá trị cao quý về nhân cách và tri thức cho con em chúng ta, tương lai của đất nước thì mới buồn thế nào. Ấy là chưa nói đến việc chạy trường, chạy lớp, mà nghe đâu, vào học lớp một thôi, ở một trường "điểm", trường có số má nọ kia đã vui lòng nhỏ nhẹ cái bao thơ cả ngàn Mỹ kim rồi, rủn không!

Hiện tượng "chợ hoá" này dường như đã đổ bộ vào nhiều ngành, nhiều tổ chức... Ngay đến cả việc kết nạp hội viên của một hội gốc sĩ nọ, nơi chỉ có danh, thậm chí danh hão, chả có bổng lộc gì mà cũng nghe nói khối người mê hoặc, nháo nhác chạy... vòng quanh, xin phiếu, mỗi "mùa kết nạp". Lo rằng, đến lúc nào đó, hội nọ chỉ còn những nhà... "doanh nghiệp vừa và nhỏ" chứ không còn là nhà nghệ nữa rồi.

Câu chuyện "chợ" xâm thực vào đời sống là câu chuyện cửa miệng thời nay trên các "diễn đàn vỉa hè". Hỏi bằng chứng đâu thì hầu như toàn chuyện "khẩu thiệt vô bằng" cả. Đó mới là cái khó cho xã hội. Nhưng chắc chắn, những hiện tượng trên không chỉ là chuyện vỉa hè. Sự băng hoại phẩm cách như một dòng nước nhiễm dịch âm ỉ, luồn lách mọi ngõ ngách đời sống, đã đến hồi báo động đỏ.

Quang Vũ