Bạn đọc viết

Chẳng lẽ lãng phí thì không có tội?

Tìm ra những địa chỉ, điểm mặt những cá nhân, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước để xảy ra lãng phí là không khó, nhưng thử hỏi có vị nào của các đơn vị này bị luật pháp xử lý chưa?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trong phiên họp sáng 15/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý cho Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu vấn đề: “Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên hiện đã luân chuyển đi đâu, làm gì?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội còn nêu phản ánh của dư luận về một số dự án gây lãng phí như: Nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình và một nhà máy Ethanol ở miền bắc...

Quả thực, vấn đề bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt ra cũng chính là điều trăn trở của cử tri trước đại nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay.

Cử tri trăn trở vì vì sự thất thoát, lãng phí là quá lớn, không chỉ những dự án lớn như báo chí đã nêu trên mà cả những dự án nhỏ như chợ nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống cấp nước ở xã thôn…

Các công trình hoặc là dở dang hàng mấy năm chưa xong hoặc là xong rồi thì đắp chiếu vì không thể đưa vào sử dụng. Đồng tiền quí giá từ thuế của dân, từ nguồn vốn vay mượn trở thành "tiền đực" như một vị đại biểu quốc hội đã từng ví von. Tuy nhiên, phải nói chính xác hơn đấy là tiền "chết" bởi sự vô dụng của một số dự án.

Cử tri trăn trở vì nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí nhưng người đứng đầu và liên đới đều không hề mảy may bị xử lí trách nhiệm. Ngân sách thâm hụt nhưng sếp và bộ sậu vẫn ung dung trên ghế quyền lực của mình, thậm chí còn được đề bạt luân chuyển vị trí cao hơn, màu mỡ hơn để tiếp tục công cuộc gây thất thoát tiền bạc tài sản công ở tầm vĩ mô.

Tìm ra những địa chỉ, điểm mặt những cá nhân để cơ quan, địa phương, doanh nghiệp nhà nước do mình quản lí xảy ra thất thoát, lãng phí không khó. Thì đấy, báo chí và dư luận nêu đích danh và bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã dẫn chứng. Nào là Nhà máy tơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên;nào là Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Ethanol miền bắc... nhưng thử hỏi có vị lãnh đạo nào của các đơn vị này bị luật pháp sờ đến lông chân chưa?

Cho nên, vấn đề quan trọng hơn là xử lí trách nhiệm thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Dư luận chỉ sợ rằng khi "chỉ mặt điểm tên" được rồi thì e người ta lại trương bửu bối "đúng qui trình" như việc bổ nhiệm cậu ấm con ông cựu bộ trưởng nọ. Lại cái vòng luẩn quẩn, "trói" nhau bằng "sợi dây kinh nghiệm" dài dằng dặc, rút không bao giờ hết.

Mong rằng sẽ không còn như vậy

Nguyễn Duy Xuân