Bạn đọc viết:

Cần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện

(Dân trí) - Nhà trường phổ thông của chúng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu giáo dục toàn diện. Nhưng trong việc thực hiện còn nhiều bất cập dẫn tới giáo dục phiến diện đang còn phổ biến.

Là cha mẹ học sinh, ai cũng mong muốn con em mình sau 12 năm học sẽ có đủ  vốn kiến thức phổ thông, có đạo đức tốt, có sức khỏe tốt và biết cách ứng xử có văn hóa để tiếp tục học lên hoặc bước vào đời bắt đầu giai đoạn lập thân lập nghiệp. Song hiện nay, không ít nhà trường chưa quan tâm đúng mức tới việc chăm lo giáo dục toàn diện cho học sinh, mà chỉ nặng về dạy kiến thức, nhất là những môn chính để học sinh đi thi chuyển cấp hoặc thi đại học.
 

Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng giáo dục phiến diện đó?

      

      Giáo dục thẩm mỹ, nền nếp tác phong sinh hoạt

 

Ở bậc Tiểu học và THCS, cùng với việc giáo dục đạo đức, còn có môn học Mỹ thuật được đưa vào chính khóa. Thực chất ở các cấp học này giúp cho các em biết nhìn  nhận và thực hành vẽ tranh, trang trí, đồ hoạ, thiết kế mẫu đồ dùng,dụng cụ học tập, cổng trại, logo .v.v.

 

Ở bậc THPT, công tác giáo dục ý thức thầm mỹ, nề nếp tác phong sinh hoạt của học sinh thường có sự kết hợp chặt chẽ của nhà trường với Đoàn Thanh niên. Có những quy định cụ thể về ăn mặc, tác phong : nam học sinh mặc quần sẫm, áo sơmi trắng, nữ học sinh mặc áo dài, giày dép có quai hậu, tóc tai gọn gàng, không dùng kem phấn hay nhuộm tóc lố lăng...

 

Học sinh thường có khuynh hướng muốn tự do: mặc quần Jean, áo thun màu sắc rực rỡ, tóc tai tuỳ thích, thậm chí nhuộm tóc những màu khó coi, hay đeo hoa tai ở nam học sinh... Các em học sinh cứ viện cớ này cớ nọ, đôi khi còn so bì với lối ăn mặc của các nghệ sĩ ...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Thông thường thủ lĩnh thanh niên vừa là thầy giáo, nên giải thích thể nào để các em tâm phục khẩu phục nhằm tạo ra nề nếp chung, một nét đẹp riêng trong môi trường sư phạm là điều khó. Riêng đề tài này tôi đơn cử một thí dụ.
 
Trong một cuộc họp, thầy giáo làm Bí thư Đoàn trường đã thuyết giảng về chủ đề này như sau:  “Thầy không nói trang phục sặc sỡ hay rất “mô đéc” của các nghệ sĩ là xấu. Nhưng đó là cái đẹp thích hợp với nghệ sĩ ra sân khấu, họ cố gắng thể hiện nét độc đáo riêng tư của mình, để gây sự chú ý của khán thính giả, cũng như của ban giám khảo đối với  tiết mục biểu diễn của họ. Còn ở nhà trường,  các em hàng ngày tiếp xúc với các thầy cô, chúng bạn cùng lớp, cùng trường, vậy các em có nên tạo ra sự khác biệt của cá nhân không? Cái đẹp ở đây mà thầy cô và các bạn đều công nhận là cái đẹp giản dị và có nền nếp của môi trường giáo dục, thể hiện ý thức chấp hành lối ăn mặc đồng phục và cách giao tiếp có lễ độ với thầy cô cũng như có thái độ an cần thân mật với bạn bè! Nét độc đáo riêng tư của người nghệ sĩ là nét đẹp thể hiện trên sân khấu, nó không thích hợp và cũng không đẹp, không đem lại giá tri thẩm mỹ trong môi trường sư phạm giữa thầy và trò chúng ta!”.

 

Lời thuyết giảng có lý có tình đó đã  ít nhiều đem lại hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn những học sinh THPT  “phá cách” trong lối ăn mặc cũng như lối sống và cách giao tiếp.

 

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm

 

Trong những giáo viên trực tiếp giảng dạy các em thì giáo viên chủ nhiệm hiểu các em khá toàn diện, cả về trình độ học vấn lẫn tính cách, đạo đức, hoàn cảnh gia đình. Cho nên giáo viên chủ nhiệm cũng có vai trò quan trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.
 
Khi bàn đến chủ đề “giới tính, tình bạn tình yêu”, giáo viên chủ nhiệm có thể nêu lên câu chuyện và gợi ý cho các em thảo luận, chẳng hạn: “Một bạn nữ học sinh, có đạo đức tốt, học tốt, tuy không được xinh gái lắm. Bạn ấy có tình cảm trong sáng, muốn gần gũi, giúp đỡ một bạn nam cùng lớp, điển trai nhưng lười học và kết quả học chưa tốt, còn thua kém bạn gái. Các em hãy cho những nhận xét, đánh giá, nhận định về triển vọng mối tình của bạn ấy như thế nào?”

 

Để đưa ra được nhận xét và bình luận đúng đắn đối với các em có lẽ là khó, Thầy phải gợi ý bằng vài câu hỏi phụ: - Nếu xây dựng tình bạn tốt thì bạn gái kể trên phải có những đức tính thế nào? Tuổi tác, năng lực học tập, đức hạnh? Đặc biệt là thái độ tôn trọng giúp đỡ bạn bè chân thành, các em có thấy là quan trọng không? Lúc này cả lớp đóng góp ý kiến sôi nổi và đi đến kết luận: nếu bạn nữ học giỏi, lại có đủ tư cách và tự tin cũng như biết tâm lý và tôn trọng bạn thì bạn đó sẽ thành công trong việc giúp đỡ bạn nam kia. Còn chuyện chưa được xinh gái lắm hay là cậu nam kia điển trai, thì điều đó không quan trọng trong mối quan hệ này.

 

Qua câu chuyện nói trên, giáo viên phân tích thêm về bình đẳng giới, bình đẳng trong tình bạn, tình yêu là sự “công bằng” cũng là nét đẹp tự nhiên vốn có của nó, không quan trọng việc nam hay nữ có ý thể hiện trước sự chân thành của lòng mình.

 

Gíáo dục về chủ đề nêu trên là kế hoạch của một tháng, nhưng chỉ cho phép thầy cô và học sinh làm việc trong 3 tiết, dưới hình thức ngoại khóa, cho nên không dễ dàng chút nào. Muốn thành công thì giáo viên phải đầu tư nhiều công sức để các em nhiệt tình tham gia thảo luận và thu hoạch được những nhận thức và cách ứng xử đúng đắn khi gặp những tình huống tương tự trong cuộc sống.
 
Cần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện
Một buổi họp mặt HS nhiều trường ở Phú Yên (nguồn ảnh Internet)

 

Giáo viên bộ môn giáo dục lồng ghép qua các môn học

 

Nhiều môn học đều có lồng ghép giáo dục đạo đức, nhân cách cũng như giáo dục thẩm mỹ, nhất là môn văn, sử, giáo dục công dân.

 

Khi giảng bài “nguyên nhân, cách phòng tránh bệnh AIDS và thái độ của chúng ta”, giáo viên với vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm sống và cách ứng xử giàu tính nhân văn,  sẽ có cách phân tích có tình có lý, có sức truyền cảm, giúp các em học sinh có tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha, không miệt thị người bị nhiễm HIV.

 

Thông thường,  các em hiểu nguyên nhân lây nhiễm của bệnh này phần lớn là do chủ quan, đối tượng bị nhiễm thường có lối sống thiếu lành mạnh, khiến các em phải khó chịu, lảng tránh, thậm chí còn tức giận, chứ đừng nói gì thông cảm và giúp đỡ? Vậy vai trò thầy giáo có hiểu biết rộng hơn cần thuyết phục, điều chỉnh thái độ cho các em bằng cách nào?

 

Tôi thử làm cách này: cứ phân tích rộng thêm những nguyên nhân gây nên sự lây nhiễm AIDS: tuy rằng mắc bệnh này là do sự sống buông thả của một số người, nhưng đa số các người bất hạnh là phụ nữ, và trẻ em họ là nạn nhân vô tội! Đành rằng trong số ít thanh niên, nhất là nam giới ăn chơi không lành mạnh làm lây bệnh sang vợ con, nhưng cũng không nên tức giận, miệt thị họ vì họ vẫn là bố là chồng của những người bất hạnh nói trên. Hơn nữa, dù sao đi nữa họ cũng chỉ là nạn nhân của “đại dịch thế kỷ” chứ không phải là nguyên nhân khởi thủy! Thay vì xa lánh họ, ta rộng lượng cảm thông, giúp đỡ, động viên họ sống tốt, sống có ích là việc làm vừa nhân đạo vừa đem  hiệu quả cao cho nỗ lực phòng tránh của cộng đồng. Hơn thế, nếu được giúp đỡ, bản thân  người bị lây nhiễm cũng sẽ góp thêm sức mạnh cho cuộc nỗ lực phòng chống AIDS cùng chúng ta.

 

Qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy cách lồng ghép giáo dục như vậy đem lại hiệu quả. Nếu trong nhiều môn học, giáo viên có ý thức đó thì sẽ có tác dụng ngấm dần vào học sinh, tạo nên ý thức và nhân cách của các em.

 

Giáo dục qua thái độ công bằng của thầy cô

 

Bên cạnh sự gương mẫu về đạo đức, tác phong cũng như lối sống để học sinh noi theo thì mỗi giáo viên còn cần có sự đối xử công bằng và biết tôn trọng học sinh. Qua thái độ giao tiếp với học sinh, mọi giáo viên đều có thể góp phần giáo dục cho các em nét đẹp của sự “công bằng”. Trong môi trường sư pham và giáo dục, những người làm thầy cô không nên có cái nhìn phân biệt: “Cậu này, cô kia không ngoan, không chấp hành nội quy, học dốt, lêu lổng...!”

 
Trong một lớp, một trường, từ vài chục học sinh đến hàng ngàn học sinh, là con em của nhiều gia cảnh khác nhau, có hoàn cảnh và tư chất riêng, tên họ khác nhau mà làm sao các em đồng đều và giống hệt nhau được. Cái cốt lõi ở đây là cần giáo dục sao cho tất cả các em đều nhận ra, hiểu sâu sắc và biết tôn trọng hai chữ công bằngcông tâm trong cách ứng xử cũng như mọi mối quan hệ diễn ra  trong cuộc sống.

 

Xuất phát từ những vướng mắc thực tế của nhiều trường, tôi mạnh dạn nêu lên những kinh nghiệm và giải pháp ít ỏi mong góp phần giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh. Rất mong quý thầy cô, quý bậc phụ huynh tham khảo và dóng góp thêm! Chúng ta cùng có mục tiêu chung là giúp đỡ cho các đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình phấn đấu: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người” như UNESCO đã khẳng định đối với sự nghiệp giáo dục trong thời đại ngày nay !

                                                                 

                                                               Nguyễn Văn Phiên

(Trường THPT Lê Thành Phương - Tuy An - Phú Yên )

 

LTS Dân tr-Giáo dục toàn diện luôn là mục tiêu được nhấn mạnh trong nền giáo dục của chúng ta, tuy nhiên tình trạng giáo dục phiến diện hiện nay vẫn diễn ra khá phổ biến, gây nên nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài.

 

Bài viết trên đây đóng góp những biện pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách cũng như giáo dục thẩm mỹ và lối sống. Tuy nhiên đấy mới là suy nghĩ và kinh nghiệm thực tế của một giáo viên dạy THPT.  Mong rằng các thầy cô giáo ở nhiều cấp học khác nhau trao đổi về chủ đề này trên Diễn đàn Dân trí.

 

Mong rằng nhà trường cũng xã hội chúng ta, nhất là các bậc phụ huynh học sinh quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh và con em mình, mà yếu tố quan trọng hàng đầu là sự gương mẫu của người lớn để các em noi theo.