Đổi mới phương pháp dạy học, chuyện không mới nhưng vẫn cần bàn (phần II)

Cần có cách làm sáng tạo và bước đi thích hợp

(Dân trí) - "Ở thời kỳ này, đất nước đang đổi mới, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện diện rất rõ ràng, vì vậy giáo dục không thể đóng cửa mà không chịu tác động...", Ths. Nguyễn Bình Minh (Hải Phòng) viết.

Vừa đứng ở góc độ của một nhà giáo, vừa là hiệu trưởng của một trường THPT, Ths. Nguyễn Bình Minh (Hải Phòng) có nhận xét: “Xã hội và Giáo dục luôn gắn bó hữu cơ trong cùng một thực thể, nên luôn có sự đòi hỏi lẫn nhau. Ở thời kỳ này, đất nước đang đổi mới, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện diện rất rõ ràng, vì vậy giáo dục không thể đóng cửa mà không chịu tác động. Nói vậy để thấy tính tất yếu phải đổi mới giáo dục… và Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chọn “Đổi mới phương pháp giảng dạy” như là một giải pháp ưu tiên trong quá trình đổi mới từng bước các lĩnh vực khác. Chọn đổi mới PHGD là nhằm vào hệ thống giáo viên – nhân vật quyết định và là trung tâm của quá trình dạy học là Thầy-Trò. Đây là hệ thống rộng trên địa dư cả nước, số lượng đông đảo, trình độ tri nhận và ứng dụng cái mới khác nhau.”

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Chính vì những đặc điểm đó của đội ngũ giáo viên hiện nay, việc thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học qua thực tế tổng kết các cơ sở giáo dục mấy năm gần đây, có thể chia thành 3 nhóm với kết quả khác nhau:

Nhóm1: Thực hiện đổi mới PPDH như thực hiện mệnh lệnh, bệ y nguyên lý thuyết vào thực tiễn tất cả các đối tượng. Với cách vận dụng xơ cứng như vậy, bên cạnh những thành công có được từ sự tham gia của công nghệ đa phương tiện và ở một số lớp chuyên lớp chọn, các tiết giảng còn lại hầu như  thất bại.

Nhóm 2: Kết hợp ứng dụng PPDH mới với nghiên cứu thực tiễn điều chỉnh từng bước. Đây là nhóm có xu thế tích cực và thu hái được những thành công đáng kể, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn do thiếu kinh nghiệm, do môi trường chưa thuận lợi…
 
Cần có cách làm sáng tạo và bước đi thích hợp  - 1

Cần chuẩn bị và nghiên cứu thấu đáo về bản chất và đặc thù của những phương pháp mới
(ảnh minh họa từ internet)

Nhóm 3: Từ chối PPDH mới, vẫn thực hiện theo chuẩn mực của phương pháp cũ. Những giáo viên nhóm này vẫn thu hái được những thành công nhất định cho mọi đối tượng. Dựa vào điểm này, và sự thành công chưa rõ nét của các nhóm tham gia đổi mới

Qua tình hình thực tiễn đổi mới PHDH nêu trên, tuy chưa phải là sự tổng kết toàn diện, nhưng cũng đã thấy xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc, cần được uốn nắn kịp thời. Những giáo viên nằm trong Nhóm 1 mặc dù có tinh thần chấp hành chủ trương đổi mới PPDH, nhưng cách làm theo “phong trào”, thiếu sự chuẩn bị và nghiên cứu thấu đáo về bản chất và đặc thù của những phương pháp mới cũng như chưa quan tâm đầy đủ đến đối tượng học sinh. Cho nên việc đổi mới phương pháp chỉ là máy móc, thiếu sự vận dụng sáng tạo phù hợp với những điều kiện cụ thể của môn học, tiết học cũng như đối tượng học sinh. Do đó chưa đạt được những kết quả mong muốn.

Số giáo viên nằm trong Nhóm 3 đại diện cho khuynh hướng không muốn đổi mới PPDH theo kiểu “phong trào” và không loại trừ trong số này có cả những giáo viên dạy giỏi. Những giáo viên này cho rằng hiệu quả của mỗi tiết học đem lại cho học sinh luôn được quyết định bởi vai trò của người thầy, chứ không phải phương pháp. Người thầy giỏi sẽ biết cách dạy phù hợp với đối tượng. Và dù dạy theo phương pháp truyền thống, người thầy giỏi vẫn biết cách dạy để phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh bằng cách dạy học trò cách học theo suy luận, đặt những câu hỏi có tính gợi mở và nhất là ra những bài tập đòi hỏi sự sáng tạo. Nếu suy nghĩ như vậy và làm được như vậy thì điều đó không sai, thậm chí còn nên khuyến khích hơn việc đổi mới  một cách máy móc, hình thức.

Nếu hiểu cách dạy truyền thống đồng nhất với cách dạy đọc-chép buồn tẻ, làm cho học trò phải “buồn ngủ” thì điều đó thật đáng phê phán. Thực tế cũng có nhiều giáo viên dạy theo phương pháp cũ, chỉ nặng về truyền đạt kiến thức một chiều và kiểm tra sự thuộc bài của học sinh là chủ yếu. Những giáo viên này thể hiện rõ khuynh hướng bảo thủ, không muốn thay đổi cách dạy quen thuộc cũng như không thích học hỏi và cập nhật những điều mới mẻ trong phương pháp giảng dạy.

Ngay từ bây giờ, dù trong hoàn cảnh nào, những người Thầy tâm huyết và có năng lực chuyên môn vẫn có thể thực hiện từng bước mục tiêu cao nhất của Dạy học là “Dạy tư duy”.  Đấy cũng là dạy cách học theo suy luận và sáng tạo, giúp cho thế hệ trẻ ngày nay “Học một biết mười” và tự học suốt đời theo yêu cầu của xã hội học tập ở thời đại văn minh trí tuệ.

 

Những giáo viên nằm trong Nhóm 2  là những giáo viên vừa thấy được sự cần thiết của việc đổi mới PPDH, vừa có cách làm nghiêm túc trong việc thực hiện đổi mới. Có sự nghiên cứu để nắm vững bản chất và tính đặc thù của các PPDH mới cũng như điều kiện thực tiễn môi trường giáo dục của ta, nhất là đối tượng học sinh, để tìm cách vận dụng phương pháp mới cho phù hợp.
 
Chính vì vậy những giáo viên thuộc nhóm này đã thu được những kết quả khả quan. Song cũng còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế về mặt chủ quan ( khả năng vận dụng và kinh nghiệm còn thiếu), nhất là những khó khăn khách quan về nội dung chương trình chưa đổi mới phù hợp với yêu cầu đổi mới PPDH, cấu tạo nội dung nhiều tiết học vẫn còn bất cập với thời lượng cho phép giáo viên thực hiện phương pháp mới cũng như khả năng đáp ứng của học sinh.
 
Những điều kiện trường lớp và phương tiện cần thiết cho việc đổi mới cách dạy và học ở nhiều nơi còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt là cách thi cử và đánh giá học sinh còn phiến diện, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cũng như đổi mới PPDH đối với những môn học không nằm trong những môn thi vào nhiều trường đại học, cao đẳng. Tình trạng sính bằng cấp và thực dụng còn phổ biến trong xã hội ta cũng tác động tới cả cách dạy và cách học của nhà trường chúng ta.

Trước tình hình thực tế như vậy, việc đổi mới PPDH không phải là câu chuyện “một sớm một chiều” mà phải có bước đi thích hợp với thực trạng giáo dục ở mỗi địa phượng, thậm chí là mỗi trường, mỗi lớp. Tuy nhiên, đứng về mặt chỉ đạo của ngành giáo dục nên có sự tổng kết giai đoạn vừa qua, để thấy được bức tranh toàn diện, những mặt làm được và chưa được. Nhất là khắc phục những  khuynh hướng lệch lạc cả trong suy nghĩ cũng như cách làm, để từ đó thu được những kết quả vững chắc trong quá trình đổi mới PPDH.
 
Mặt khác cũng cần thấy rằng, PPDH gắn liền với đội ngũ giáo viên, với con người và hệ thống giáo dục nói chung. Chỉ có đổi mới đồng bộ từ triết lý giáo dục cho đến nội dung chương trình, cách thi cử đánh giá học sinh cũng như chăm lo xây dựng “cơ sở hạ tầng” của giáo dục, nhất là đội ngũ giáo viên thì khi ấy chúng ta mới tạo điều kiện thuận luận và vững chắc cho việc đổi mới PPDH phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Nhưng không phải chờ đến khi đó chúng ta mới thực hiện đổi mới PPDH, mà ngay từ bây giờ, dù trong hoàn cảnh nào, những người Thầy tâm huyết và có năng lực chuyên môn vẫn có thể thực hiện từng bước mục tiêu cao nhất của Dạy học là “Dạy tư duy”.  Đấy cũng là dạy cách học theo suy luận và sáng tạo, giúp cho thế hệ trẻ ngày nay “Học một biết mười” và tự học suốt đời theo yêu cầu của xã hội học tập ở thời đại văn minh trí tuệ.

Trước mắt, chúng ta cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng dạy và học nhồi nhét còn phổ biến hiện nay!
 

                                                                     Thao Lâm