Phiếm đàm

Cách né tránh trách trách nhiệm thật đơn giản

(Dân trí) - Cấm được có chữ ‘giá mà” trong báo cáo đấy nhé.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bạn tôi ở Đồng Hoàng (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) ra chơi, báo tin:

- Lâu rồi, cậu không về quê. Hôm nào về, sẽ thấy cây cầu quê ta có nét mới rồi nhé1

Cái Cầu Đồng Hoàng ấy ở quê tôi được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Trải qua hàng chục năm tồn tại, hiện cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, cũ nát, xiêu vẹo, có đoạn buộc tre vì thanh lan can đã rụng mất... là nỗi ám ảnh hàng ngày của người dân, nguy hiểm đến tính mạng của họ mỗi khi phải di chuyển qua đây, biết vậy mà không có tiền xây lại...

Cách né tránh trách trách nhiệm thật đơn giản - 2

Vì thế, khi nghe bạn tôi nói vậy, tôi mừng quá, reo vui:

- Ôi, thế là cầu được xây mới rồi!

Bạn tôi bảo không phải

Tôi hạ thấp mức dự đoán:

- Vậy chắc là cầu được sửa chữa nâng cấp rồi phải không?

Bạn tôi vẫn bảo không phải.

Tôi lườm:

- Thế sao ông bảo là câu cầy quê ta có nét mới rồi? bịa à!

Bạn tôi thở dài:

- Không bịa đâu, cây cầu già nua này vừa có nét mới, rất mới, là chính quyền sở tại họ đã cho cắm ở đầu cầu một cái biển to,, trên có dòng chữ: "Cầu Đông Hoàng có nguy cơ sập. Cấm người và các phương tiện qua cầu"

Cách né tránh trách trách nhiệm thật đơn giản - 3

Tôi ngạc nhiên:

- Cây cầu là lối đi chính của hơn 350 hộ dân với hơn một nghìn nhân khẩu thuộc tổ dân phố. Cây cầu này còn lối đi chính dẫn từ tổ dân phố của phường sang các trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3 nên hàng ngày lượng học sinh qua đây rất đông. Hiện toàn bộ hoạt động đi lại, giao lưu buôn bán, đều phải đi qua cầu Đồng Hoàng. Bây giờ cấm đi qua cầu thì làm thế nào?

- Cấm thì cấm, nhưng làm gì còn đường nào qua sông, nên dân họ vẫn cứ phải đi qua cầu này, các cháu học sinh vẫn cứ phải đi qua cầu này, không còn lựa chọn nào khác.

Tôi càng ngạc nhiên:

- Thế chẳng hóa ra cái biển cấm ấy không có tác dụng gì à?

Bạn tôi bảo:

- Ấy chết, sao lại nói là cái biển cấm ấy không có tác dụng. Tôi hỏi ông nhé, dân thì họ cứ phải đi, chẳng cấm được, nhưng nếu cầu có sập, cầu gẫy làm đổ xe, chết người, đương nhiên là cấp trên sẽ truy người chịu trách nhiệm trục tiếp quản lý là chính quyền sở tại. Hãy tưởng tượng khi đó, chính quyền sở tại sẽ dẫn đoàn thanh tra đến trước tấm biển này và bảo: "Này, các ông đọc đi. Chúng tôi đã dựng biển này cảnh báo rồi mà dân không nghe, Vậy trách nhiệm không phải ờ chúng tôi nhé, mà là ở dân". Mọi người trong đoàn kiểm tra sẽ cùng reo lên đồng tình: “Đúng, đúng” rồi chụm đầu lập biên bản báo cáo lên cấp trên. Đó là cách tập thể né tránh trách trách nhiệm đơn giản mà hay. Miễn là trong báo cáo đừng nhắc đến chữ giá mà đừng để sự lãng phí xảy ra ở các công trình xây dựng hiện nay ở Hà Nội, sử dụng tiền ngân sách không hiệu quả, cụ thể giá mà cấu một chút xíu của phần vứt tiền qua cửa sổ trong Dự án Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội ném vào đầu tư 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới quá lãng phí cả về không gian lẫn tiền bạc, sau hơn 2 năm triển khai nay khó hy vọng dùng được, cũng đừng nhắc đến giá mà cấu một chút xíu phần tiền xây dựng công viên Tuổi thơ tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rộng hàng ngàn mét vuông, ngốn hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách đang bị bỏ hoang phế; giá mà cấu một chút xíu phần tiền xây dựng Làng Văn hóa Đồng Mô rút ngân sách Nhà nước 3.200 tỷ mà chẳng có lợi ích gì v.v... thì chính quyền sở tại đã có tiền để xây mới cho dân cây cầu rồi.

Cấm được có chữ ‘giá mà” trong báo cáo đấy nhé.

Nguyễn Đoàn