“Các đại biểu sẽ bầu chọn vào BCH Trung ương những người tốt và giỏi”

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Các đại biểu sẽ quyết định đúng thông qua lá phiếu chọn một Ban Chấp hành Trung ương gồm những con người tốt và giỏi, những người trong sạch...

Trong bối cảnh đất nước vừa tổng kết 30 năm đổi mới, kể từ sau Đại hội VI của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân đặt kỳ vọng nhiều vào những thay đổi ở Đại hội lần thứ XII bắt đầu diễn ra vào ngày 20/1. Đó là tạo nên dấu ấn mới, mà người ta nói là Đổi mới 2 hay Làn sóng 2 của Đổi mới.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về nội dung này.


Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

PV: Thưa ông, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng là dịp tổng kết 30 năm đổi mới. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của đất nước ta trong chặng đường vừa qua và những thách thức mới đang đặt ra cho dân tộc ta hiện nay là gì?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Sau 30 năm đổi mới, tôi nghĩ đất nước ta đạt được nhiều thành tựu nền kinh tế phát triển, tăng lên gần 7 lần; đời sống bây giờ so với trước khi đổi mới đã khác hẳn.

Vị thế của Việt Nam trên thế giới nay cũng đã khác. Trước đây, chúng ta bị bao vây cấm vận nhưng hiện giờ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thiết lập quan hệ với nước ta, trong đó có nhiều nước lớn đều có quan hệ với tư cách là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Tôi nghĩ đời sống đã thay đổi đáng kể, bộ mặt của đất nước từ 1 nước thu nhập thấp đã vượt qua giai đoạn đó để trở thành 1 nước thu nhập trung bình. Thành tựu thật đáng kể, đáng ghi nhận. Tất nhiên chúng ta bây giờ gặp nhiều thách thức.

Trong 30 năm ấy, thì 10 năm trở lại đây lại có vẻ chững lại. Có nhiều chính sách, chủ trương, cơ chế quản lý không còn phù hợp. Trước đây, chúng ta phát triển theo diện rộng, giải pháp hoàn toàn khác, còn bây giờ trở đi chúng ta phải phát triển theo chiều sâu, thì giải pháp đã khác.

Thực tế sau 30 năm, mặc dù chúng ta làm được nhiều nhưng hiện tại chúng ta có những mặt đang tụt hậu. Nguy cơ hiện hữu là chúng ta đang rơi vào thu nhập trung bình thấp. Tôi nghĩ nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, sáng suốt thì tình trạng này còn lùng bùng trong vài chục năm tới mà không dễ thoát ra đâu.

PV: Trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đúng là nhiều Nghị quyết của Đảng đã khẳng định điều đó. Có một bộ phận cán bộ, Đảng viên bị thoái hóa biến chất. Trước đây thì nói có “một số số đảng viên” rồi “một bộ phận,” rồi đến “một bộ phận không nhỏ”...

Rõ ràng các Nghị quyết của Đảng đã nhìn thấy có tình hình như vậy. Tôi nghĩ đó là việc nghiêm trọng, bởi người Việt Nam có câu mất lòng tin là mất tất cả.

Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ việc quan trọng nhất là phải có cán bộ tốt và giỏi. Tự họ sẽ tạo ra những cơ chế quản lý đất nước, kể cả việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị...cũng phải bằng cơ chế. Chứ chỉ khẩu hiệu không thôi thì hiệu quả sẽ rất ít.

PV: Tình hình đất nước hiện nay tiếp tục đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cán bộ, Đảng viên và nhân dân kỳ vọng tại Đại hội lần này Đảng ta sẽ có những đổi mới căn bản. Ông suy nghĩ như thế nào khi có ý kiến băn khoăn “đổi mới nhiều quá dễ dẫn đến mất ổn định”?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi không nghĩ như vậy! Tôi nghĩ đất nước ta cần phải đổi mới mạnh mẽ và căn bản. Trong Dự thảo Văn kiện trình ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đề cập đến vấn đề phải tiếp tục đổi mới.

Dự thảo Văn kiện nói phải đổi mới toàn diện và đồng bộ. Như thế cũng đã là rất mạnh, nhưng tôi nghĩ phải đổi mới một cách căn bản. Không sợ nói đổi mới, đổi mới nhiều quá dẫn đến mất ổn định. Tất nhiên, đổi mới căn bản không phải cứ ào ào mà cần phải có nghiên cứu, có bước đi và lộ trình một cách chững chạc, không nửa vời.

PV: Trong sự đổi mới căn bản đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước. Theo ông, làm sao để có những cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, công tác cán bộ cực kỳ quan trọng. Việc thứ nhất, công tác cán bộ qua Đại hội và công tác cán bộ trong suốt trong nhiệm kỳ.

Qua Đại hội vô cùng quan trọng vì chọn ra đội ngũ cán bộ để trên cơ sở đó đổi mới công tác cán bộ trong suốt nhiệm kỳ. Trong Đại hội, tôi nghĩ trong số các đại biểu ai cũng tâm huyết, cũng có trách nhiệm, muốn nước ta có đội ngũ cán bộ tốt và giỏi.

Chỉ cần cung cấp cho các đại biểu đầy đủ thông tin, lành mạnh hóa về mặt thông tin thì tôi tin là với trách nhiệm của mình, các đại biểu sẽ quyết định đúng thông qua lá phiếu chọn một Ban Chấp hành Trung ương gồm những con người tốt và giỏi, những người trong sạch và những người có triển vọng, có khả năng đổi mới.

Mấy chục năm qua, tôi nghĩ công tác cán bộ của chúng ta cũng làm được nhiều việc nhưng đồng thời cũng có việc đáng lưu ý là việc chọn, tập hợp rồi sử dụng người tài trong bộ máy còn hạn chế. Đó là điều đáng lưu ý nhất. Công tác cán bộ phải đổi mới để làm sao phải tập hợp và sử dụng được nhiều nhân tài.

“Các đại biểu sẽ bầu chọn vào BCH Trung ương những người tốt và giỏi” - 2
"Đổi mới căn bản không phải cứ ào ào mà cần phải có nghiên cứu, có bước đi và lộ trình một cách chững chạc, không nửa vời"

PV: Hiện nay dư luận rất lo ngại về việc lợi ích nhóm. Đại hội lần này cần đưa ra những giải pháp gì để ngăn chặn lợi ích nhóm chỉ làm giàu cho một nhóm người có quyền lực và làm nghèo đất nước, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tình hình lợi ích nhóm là có thật, điều này Trung ương đã phê phán. Đó là câu chuyện rất đáng lưu ý, bởi lợi ích nhóm rất nguy hại, đất nước không thể phát triển được, đất nước không thể dân chủ được, niềm tin sẽ tiếp tục mất đi, hệ thống chính trị sẽ tiếp tục tha hóa... không khéo dẫn đến đổ vỡ. Cho nên phải khắc phục lợi ích nhóm. Có nhiều cách khắc phục lợi ích nhóm nhưng tôi vẫn nghiêng về các cơ chế, thể chế.

Thứ nhất phải kiểm soát quyền lực. Quyền lực của nhân dân, nhân dân trao quyền nhưng không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì người trao quyền sẽ mất quyền, còn người có quyền có thể sẽ lộng hành... nên dứt khoát phải kiểm soát quyền lực. Phải minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý...để lợi ích nhóm, tham nhũng không tồn tại được.

Và tôi nghĩ cơ chế như thế nước ta hoàn toàn làm được nếu như mình chịu khó nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và sáng tạo vào tình hình thực tế.

PV: Vừa qua, chúng ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, những theo báo cáo của các địa phương thì rất nhiều nơi không phát hiện được tham nhũng. Vậy theo ông tham nhũng đang nằm ở đâu và liệu công tác dấu tranh phòng chúng tham nhũng có đạt như mong đợi của Đảng và toàn dân?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ tham nhũng chủ yếu là ở trong bộ máy chính trị, những người có quyền có chức. Giải pháp chống tham nhũng cũng như giải pháp đối với lợi ích nhóm. Cũng phải kiểm soát quyền lực để không lộng hành, để không lợi dụng. Cũng là đổi mới cơ chế, minh bạch thông tin. Đối với tham nhũng là không có vùng cấm, không có vấn đề nhạy cảm.

Chỉ có một giới hạn đáng lưu ý là phải nói cho chính xác, đừng vu cáo. Đã lỡ nói sai phải có cải chính đàng hoàng, phải xin lỗi và chịu trách nhiệm.

Những người tham gia chống tham nhũng phải dũng cảm, bản lĩnh, xã hội phải ủng hộ họ; bộ máy tạo điều kiện cho họ làm việc và bảo vệ họ khi gặp nguy hiểm. Từ đó tạo ra sức đề kháng của cơ thể xã hội đối với bệnh tham nhũng, lợi ích nhóm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hải Sơn/VOV - miền Trung

(Theo báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam))