Bệnh nhân vượt tuyến bởi nỗi lo tiền mất, tật mang

(Dân trí) - Lời hứa của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng tháng 6 tới sẽ ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến bệnh viện (BV) thông qua các giải pháp kỹ thuật nhằm phân tuyến, thêm một lần nữa gợi lên những nhức nhối tâm can bao lâu nay của người dân.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Cực chẳng đã

 

Phản hồi nhận xét của BT Y tế  rằng “... thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại BV tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ, đáng lẽ có thể khám chữa bệnh tại BV tuyến cơ sở. Chính điều này dẫn đến quá tải BV tuyến trên...”, Phuong: maiphuong8286@yahoo.com nêu tiếp câu hỏi chất vấn:

 

“Khi đọc bài báo này, tôi muốn đặt ra vài câu hỏi tới Bộ trưởng (BT) Y tế:

 

1/ Chắc chắn là không phải bệnh nhân nào cũng thực sự muốn vượt tuyến vì vừa mất chi phí đi lại (với những người ở xa), vừa mệt mỏi vì quá đông. Nhưng thay vì làm cách nọ cách kia để ngăn không cho bệnh nhân vượt tuyến, sao Bộ Y tế không nghĩ tới việc nâng cao chất lượng của tuyến cơ sở. Hơn thế nữa, những bệnh như ung thư thì làm sao tuyến cơ sở đủ chuyên môn mà chữa được?  Vì vậy với những bệnh như thế này, sao Bộ không tính tới việc xây mới thêm BV?

 

2/. Còn về phí tham gia bảo hiểm, BT nói mức 30USD là quá thấp. Nhưng BT có nghĩ với người nghèo thì 30USD không hề nhỏ không? Vậy thay vì áp dụng một mức giá chung, sao Bộ không tính đến việc phân chia mức giá với từng đối tượng khác nhau cho phù hợp?”

 

Mai Thi Huong maithihuong83@yahoo.com kêu Trời về tình cảnh cực chẳng đã của người bệnh vốn đã khốn khổ càng cơ cực hơn khi phải vượt tuyến.

 

“Ui giời! Người dân như tôi cũng chẳng ai muốn vượt tuyến làm gì cả, vừa tốn tiền đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ cũng khốn khổ lắm. Rồi còn cảnh người nhà phải bỏ công bỏ việc, bỏ con cái để đi theo mà chăm. Rồi lên đó chờ chực xếp hàng mua phiếu, xếp hàng vào khám bao nhiêu thủ tục…. Nhưng vẫn phải đi vì biết rằng nếu không đi ở tuyến dưới sẽ không khỏi bệnh, thậm chí bệnh nặng hơn. Mà có khi lại bị chẩn đoán sang bệnh khác, chữa không đúng bệnh thế là tiền mất tật mang. Thôi thà có bệnh đi luôn lên tuyến trên, khổ hơn nhiều nhưng chỉ khám và chữa một lần có thể dứt điểm luôn…Chính vì thế nên nếu tôi ốm, con tôi ốm, tôi cũng đi lên tuyến trên!”

 

Nguyễn Xuân An annx@krongana.daklak.gov.vn nêu rõ:

 

“Đừng đỗ lỗi do người bệnh và những người dân. Tất cả là hệ lụy từ tình trạng yếu kếm chung của ngành y tế. Cụ thể là hầu hết y bác sỹ ở tuyến huyện trở xuống đều còn kém về chuyên môn, thái độ phục vụ thường là thờ ơ và thiếu trách nhiệm với người bệnh. Họ chỉ chăm chăm lo việc cho phòng mạch riêng của họ. Nhiều ca bệnh nhẹ nhưng vì tinh thần trách nhiệm kém, yếu chuyên môn làm cho người bệnh bị nặng thêm. Những hệ lụy kéo trong thời gian quá dài như vậy làm cho người dân, người bệnh mất niềm tin ở tuyến dưới. Họ không dám tin vào khả năng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, nên mới phải tìm mọi cách để chuyển lên tuyến trên chữa bệnh. Người dân, bệnh nhân chỉ quan niệm một điều rằng sức khỏe là quan trọng, thế thôi…”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Dao sắc không gọt được chuôi

 

Ngành Y trị bệnh cứu người, được chăm sóc và điều trị khỏi bệnh tật chắc chẳng có một người bệnh hay người nhà bệnh nhân nào dám quên ơn cứu mạng. Nhưng thực tế trong ngành Y  hiện nay quả thật có quá nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, quá nhiều tệ nạn… khiến hình ảnh đẹp về các lương y như từ mẫu ngày càng mai một trong mắt dân chúng. Khá nhiều căn bệnh của chính ngành Y được người dân giúp chẩn trị, vấn đề là thuốc hay lại không nằm trong tay dân.

 

“Muốn giải quyết vấn đề thì phải xác định đúng nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân mà tôi nghĩ là đã dẫn đến tình trạng trên:

 

1/. Tại sao khi điều trị vượt tuyến chỉ thanh toán 30% bảo  hiểm y tế (BHYT) nhưng bệnh nhân vẫn vượt:

 

+ Thứ nhất: trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ cơ sở nhìn chung còn quá yếu, và thực tế đó vẫn đang diễn ra hàng ngày làm mất lòng tin của dân, nhất là do tỷ lệ chẩn đoán sai bệnh đang rất cao.

 

+ Thứ hai: máy móc thiết bị nghèo nàn, cũ kỹ. Ít bệnh viện cấp huyện có máy móc hiện đại.

 

+ Thứ ba: chất lượng phục vụ nói chung là còn kém

 

2/. Nếu quy định vượt tuyến sẽ không thanh toán BHYT, theo tôi là vô lý, vì đó là quyền lợi chính đáng họ được hưởng.

 

Tôi nghĩ, BV cũng là một ngành dịch vụ chuyên khám chữa bệnh. Việc người dân khám ở đâu là quyền của họ và khi họ đã đóng một khoản tiền nào đó cho Bảo hiểm, thì khi xảy ra bệnh đương nhiên họ phải được hưởng quyền lợi tương ứng. Theo tôi, để giải quyết được vấn đề ở đây không phải là cứng nhắc theo các văn bản quy định cho bệnh nhân, mà nên quy định và có giải pháp giải quyết của dịch vụ khám chữa bệnh từ chính các BV” - nick Bạn đọc:  Bandoc@gmail.com

 

“Tất cả nguồn cơn dẫn tới quá tải của BV tuyến trên là do cơ chế chính sách chưa phù hợp mà bấy lâu nay chúng ta cũng đã phân tích nhiều. Vì vậy theo tôi, song song với một số giải pháp như thành lập BV vệ tinh, thực hiện đề án 1816 theo hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật cho tuyến dưới… điều rất cần làm ngay là phải có chiến lược tốt về nguồn nhân lực có tay nghề giỏi, tâm huyết với nghề và gắn bó lâu dài đối với tuyến huyện. Đặc biệt cần có cơ chế quản lý điều hành tốt của các cấp Bộ, Tỉnh như công tác điều chuyển cán bộ, phân loại bệnh tật cho từng tuyến điều trị. Khi có cơ chế quản lý rõ ràng thì chắc chắn vấn đề quá tải sẽ được giải quyết” – Quan Dan: quandan64@yahoo.com

 

“Chìa khóa” mở cánh cửa giảm tải BV tuyến trên, theo Trong buitrong.hse@gmail.com có thể tóm gọn trong mấy chữ: “Chỉ có chất lượng khám chữa bệnh là sẽ giải quyết được vấn đề này”.

 

Nick Bác Bảy về hưu bacbay@yahoo.com nhấn mạnh thêm: “Như tôi thấy thì việc này đã nói từ lâu,  mà cho đến giờ này chất lượng ngành Y tế chưa có được cải thiện chi đáng kể cả. Mọi người đều quan tâm đến vấn đề này, nhưng mà chỉ nghe nói nhiều chứ thật sự chưa làm được đến đâu… Vậy trách  nhiệm này thuộc về ai ??? Theo tôi, ngành Y cần phải tự thay đổi mình một cách nhanh chóng và mạnh mẽ thì mới có hiệu quả được”.

 

Có người dân ở nước nào như VN ta, đã khổ vì bệnh tật rồi còn chồng chất thêm bao nỗi cơ cực khác cho cả bản thân lẫn gia đình, nhất là khi phải vượt tuyến chữa trị. Nhưng không vậy thì ám ảnh tiền mất, tật mang vẫn canh cánh trong lòng...  
 
Kiều Anh