34.000 người đã ở đâu? Sống như thế nào?

Số phận của những người tù sau đặc xá hôm qua đã được nhắc tới trước Quốc hội với một thực tế day dứt: “Phải chịu sự kỳ thị nặng nề của xã hội, rất khó để xin được việc làm, tự ti, bi quan, chán nản, thậm chí, buộc phải bỏ quê đi sinh sống ở nước khác và dễ tái phạm tội lại”.


Trong 10 năm qua có tới gần 86.000 người đã được đặc xá (ảnh minh họa). Ảnh: Zing

Trong 10 năm qua có tới gần 86.000 người đã được đặc xá (ảnh minh họa). Ảnh: Zing

Trong ngoặc kép là phát biểu của ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH - trong phiên QH thảo luận Luật Đặc xá sửa đổi hôm qua, 11.6.

Nhớ trong phiên thảo luận trước đó, cũng chính bà Hạnh là người đặt ra câu hỏi đầy lo toan: Trong 10 năm qua có tới gần 86.000 người đã được đặc xá. 50.000 người trong đó tái hòa nhập cộng đồng, hơn 1.000 người tái phạm. Vậy còn 34.000 người còn lại họ ở đâu, sống như thế nào?

Luật Đặc xá đang phải giải quyết nhiều vấn đề. Chẳng hạn sự quá tải trại giam như phát biểu của ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường: 10.000 người được đặc xá mỗi đợt không phải lớn so với 150.000 người phải chấp hành án, nhất là trong bối cảnh quá tải trại giam với “trung bình 2m2 trên mỗi phạm nhân”.

Đặc xá để góp phần giảm tải là nỗi lo có thật dẫu là có vẻ kỳ cục hơn nhiều so với nỗi lo tình trạng tái phạm tội đang ở mức 1,16%.

Nhưng cái đáng lo nhất lại ở sự tái hòa nhập, là công ăn việc làm, là ở một mái nhà và mưu cầu hạnh phúc, những yếu tố bền chắc nhất để người được đặc xá không quay trở lại trại giam.

Nói như bà Hạnh, rất nhiều người được đặc xá chủ yếu thuộc gia đình nghèo, hộ nghèo, có đời sống rất khó khăn, rất nhiều trong đó đã không thể tìm được một công việc do những kỳ thị xã hội và thiếu sự giúp đỡ từ phía địa phương.

Hồi tháng 4, một đoàn khảo sát của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Bình Phước về thực trạng người được đặc xá và chấp hành xong án phạt tù. Hôm ấy, có một con số thế này: Chỉ có 183 người chấp hành xong án phạt tù có thu nhập ổn định và 2 người được vay vốn để sản xuất kinh doanh trong tổng số 3.168 người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù.

Những kỳ thị là có thật. Những khó khăn trong việc đơn giản là kiếm sống cũng có thật, và đó chính là điều đáng lo nhất mà một dự án Luật cần đặt ra và giải quyết. Bởi nếu chỉ đơn thuần là trả tự do cho những người đủ điều kiện thì có gì đảm bảo kéo giảm nổi tỉ lệ tái phạm giúp người ta được làm người đúng nghĩa (?!)

Theo Anh Đào

Báo Lao động