Yêu cầu rà soát hiện tượng doanh nhân “chạy” quốc tịch nước ngoài

(Dân trí) - Trường hợp như gia đình nữ doanh nhân - đại biểu Quốc hội khoá XIII Nguyễn Thị Nguyệt Hường “lặng lẽ” nhập quốc tịch Malta được xác nhận là một hiện tượng đang diễn ra. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, sẽ có cuộc rà soát, thống kê cụ thể để đánh giá về việc này.

Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, một vấn đề đặt ra với Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: theo thống kế của Bộ Tư pháp, năm 2015 có 29 người nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam trong khi số xin thôi quốc tịch Việt Nam lên tới 4.474 người.

Nhiều người có thêm quốc tịch nước ngoài thuộc giới thượng lưu, giàu có, như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – doanh nhân, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Hà Nội. Chính phủ nhìn nhận hiện tượng này thế nào? Có lo ngại vấn đề chảy máu chất xám, tài sản quốc gia?

Người phát ngôn Chính phủ xác nhận, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy con số chênh lệch rất lớn giữa người xin nhập quốc tịch và người xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc xin nhập và thôi, trước hết là quyền của công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu của công dân và phải giải quyết theo đúng thẩm quyền, pháp luật quy định.

“Đa số các trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài là các cô dâu, xin thôi quốc tịch để nhập tịch mới theo chồng. Những trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam đó thuộc về các nước có quy định về chế độ 1 quốc tịch. Hàng năm, có hàng nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nên có hiện tượng này. Tuy nhiên, pháp luật của các nước cũng khác nhau, có những nước buộc phải từ bỏ quốc tịch cũ mới được nhập quốc tịch mới nhưng cũng có nước không yêu cầu” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giải thích, việc nhập quốc tịch mới, theo đó, để thuận tiện hơn cho việc làm ăn, sinh sống của công dân.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ khái quát, hầu hết các công dân Việt Nam xin thôi quốc tịch là người đang cư trú ở nước ngoài. Dù vậy, số này cũng không nhiều so với số người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Còn về hiện tượng một số doanh nhân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn xin giữ quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tới đây các cơ quan sẽ tiến hành rà soát, tổng kết về vấn đề này. Khi có kết quả thống kê, rà soát, nếu cần thiết, nhà nước sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh quy định của luật. Khi đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất xin sửa luật Quốc tịch.

P.Thảo