“Việc phản bác thông tin xuyên tạc, sai sự thật còn lúng túng, bị động”

(Dân trí) - “Sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, nhất là xung quanh vấn đề Biển Đông,…còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động, và hiệu quả thông tin đối ngoại chưa cao” – Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Quang cảnh Hội nghị triển khai Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo.
Quang cảnh Hội nghị triển khai Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo.

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì.

Tham dự Hội nghị có 150 đại biểu là đại điện Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương; lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy; lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố, lãnh đạo và cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại các Sở, ngành của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ TP Đà Nẵng trở ra).

Theo Bộ TT&TT, ngày 19/10/2016, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại nói riêng và hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố nói chung.

Trước khi có Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 7/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, văn bản có tính pháp lý cao nhất quy định về thông tin đối ngoại là Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại tại Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố đã đạt được những thành tích nổi bật: Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến địa phương đã được nâng lên một bước, tạo ra bước chuyển biến căn bản trong tổ chức và hoạt động thông tin đối ngoại. Đồng thời, phần nào đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến địa phương.

Hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố được triển khai nhân rộng ra cả nước, vừa có kế hoạch và đi vào chiều sâu, cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức hoạt động thông tin đối ngoại…đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét cho hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố giai đoạn 2011-2015.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, nâng cao vị thế uy tín của các tỉnh, thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trên thế giới; góp phần bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế, đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; khuyến khích động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác triển khai hoạt động thông tin đối ngoại; kinh phí bố trí cho hoạt động thông tin đối ngoại... Để khắc phục những hạn chế trên, cần thiết phải xây dựng Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại tại các tỉnh, thành phố. Thông tư sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị...

“Sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại trong công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, nhất là xung quanh vấn đề Biển Đông, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và đối với những vấn đề, vụ việc nhạy cảm, mới nảy sinh, thu hút sự chú ý của dư luận, còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, thống nhất, dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động, và hiệu quả thông tin đối ngoại chưa cao” - Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh tại Hội nghị.

Thông tư khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế trong thông tin đối ngoại

Cũng theo Bộ TT&TT, việc xây dựng Thông tư có ý nghĩa lớn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố hiện nay.

Thông tư ra đời đã hoàn thiện thêm một bước hành lang pháp lý về thông tin đối ngoại, triển khai thực hiện Kết luận 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược Phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2012-2020.

Thông tư là văn bản pháp lý đầu tiên hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố quản lý và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.

Thông tư ra đời sẽ giúp các tỉnh, thành phố có hành lang pháp lý để thực hiện, triển khai hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại; quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố; giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh, thành phố. Thông tư là căn cứ để các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, thực hiện được các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại dài hạn, trung hạn, hàng năm.

Thông tư là căn cứ để các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, phóng viên ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các sản phẩm truyền thông giới thiệu, quảng bá của tỉnh, thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài.

Thông tư ra đời sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố hiện nay thông qua việc quy định trách nhiệm cho các Sở TT&TT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Nguyễn Dương