Trình Quốc hội cho thí điểm cấp thị thực điện tử

(Dân trí) - Sáng 18/10, trình UB Thường vụ Quốc hội đề xuất này, Chính phủ cho biết vừa ban hành nghị quyết với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

UB Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét cho thí điểm cấp thị thực điện tử với người nước ngoài.
UB Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét cho thí điểm cấp thị thực điện tử với người nước ngoài.

Thực hiện quy trình này, toàn bộ việc nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực sẽ được cung cấp mã khóa để truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực để nhận kết quả xin thị thực điện tử, thanh toán lệ phí thị thực qua tài khoản và tự in thị thực điện tử.

Theo Chính phủ, quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, việc cho phép người nước ngoài tự in thị thực điện tử không phù hợp với quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết.

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, UB Quốc phòng - an ninh của Quốc hội cho rằng, cần phải xem xét kỹ việc áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử cho tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các tổ chức khủng bố thường lợi dụng sơ hở trong hoạt động quản lý nhập cảnh của quốc gia để thực hiện khủng bố.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, trước mắt, chỉ thí điểm áp dụng việc cấp thị thực đối với người nước ngoài ở một số quốc gia có quan hệ truyền thống với Việt Nam và các quốc gia đã ký các công ước về ngoại giao liên quan đến vấn đề này, trên cơ sở có đi có lại.

Xem xét toàn diện hồ sơ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ còn chung chung, chủ yếu đánh giá các mặt tích cực mà chưa đánh giá tác động tiêu cực đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

UB Thường vụ Quốc hội đồng ý để cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khai mạc vào sáng 20/10 tới.

P.Thảo