Toàn văn Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn mới của APPF

(Dân trí) - Chiều 20/1, hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương khép lại 3 ngày làm việc sôi nổi. Lãnh đạo 27 nghị viện thành viên APPF thống nhất ra tuyên bố về tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương.Dân trí trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố Hà Nội:

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 26

DIỄN ĐÀN NGHỊ VIỆN CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Hà Nội, Việt Nam, 18 – 21 Tháng 1, 2018

---------------------

Tuyên bố Hà Nội

Tầm nhìn mới cho Quan hệ đối tác Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương

1.Chúng tôi, các nghị sĩ Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), họp tại Hà Nội, Việt Nam dưới chủ đề chung “Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển Bền vững”. Chúng tôi thông qua Tuyên bố Hà Nội này để kỉ niệm lần thứ 25 thành lập APPF và định hướng phát triển của Diễn đàn tới năm 2030.

2.Chúng tôi nhắc lại sự thành lập kịp thời của APPF vào năm 1993 nhằm đáp ứng nhu cầu đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia thành viên và khu vực vào thời điểm cuối Chiến tranh Lạnh.

Các thành tựu đạt được

3.Chúng tôi vui mừng ghi nhận những thành tựu đáng kể mà APPF đã đạt được trong 25 năm phát triển. APPF đã không ngừng theo đuổi các mục tiêu chung về thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực.

Các hoạt động hợp tác và đối thoại của APPF đã góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Các nước thành viên APPF đã thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hướng tới xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. APPF đã hỗ trợ và bổ trợ cho các nỗ lực của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua việc giảm các hàng rào thuế quan, thương mại, tinh giản các thủ tục hải quan, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên và củng cố hệ thống thương mại đa phương. Các nước thành viên APPF đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, bao gồm các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và các thỏa thuận trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Hội nghị các Nữ nghị sĩ, lần đầu tiên được tổ chức tại Hội nghị APPF thường niên lần thứ 24 tại Vancouver, từ nay sẽ được tổ chức cùng các dịp Hội nghị APPF thường niên nhằm thúc đẩy thảo luận và trao đổi về các thực tiễn tốt, kinh nghiệm về các chủ đề mà các nữ nghị sĩ cùng quan tâm và thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực.

4.APPF đã góp phần vào các nỗ lực chung của các cơ chế khu vực và quốc tế, bao gồm Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Hợp tác Kinh tế lưu vực Thái Bình Dương(PBEC), trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định cho hợp tác và phát triển bền vững khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

APPF trong một thế giới thay đổi nhanh chóng

5.Chúng tôi nhận thức rằng môi trường ở khu vực và toàn cầu, cũng như chủ nghĩa đa phương đang trải qua những thay đổi căn bản, trong đó cơ hội và thách thức đan xe với nhiều hệ lụy sâu rộng. Những thay đổi căn bản mang tính toàn cầu thường sẽ khó dự báo hơn.

Tình hình chính trị, an ninh trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực, đã trải qua những thay đổi phức tạp, với nhiều yếu tố bất ổn tiềm ẩn, đặc biệt là các mối đe dọa về an ninh khu vực và trên thế giới, có khả năng tác động lớn tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng quốc tế. Trào lưu chủ nghĩa dân tộc, dân túy và đơn phương đang gia tăng; các điểm nóng, xung đột khu vực, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, khủng hoảng người tị nạn, an ninh mạng, và bênh dịch tiếp tục gây ra những thách thức lớn. Phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên, hội nhập kinh tế ở nhiều khu vực đã chậm lại do tác động của chủ nghĩa bảo hộ. Mặc dù thương mại và đầu tư đã tạo nên sự thịnh vượng không ngờ ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Xu hướng hợp tác và liên kết đa tầng nấc cũng như việc cải cách và tiếp sức cho các thể chế đa phương đã được tích cực đẩy mạnh. Các thỏa thuận lịch sự như Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về Biến đối khí hậu đã đem lại những cơ hội mới cho hợp tác phát triển. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng tăng năng suất, tạo nên những đổi mới trong liên kết các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhưng đồng thời cũng có thể góp phần làm tăng bất bình đẳng trong việc phân bổ thành quả của tăng trưởng và toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, việc duy trì và thúc đẩy hơn nữa vai trò của các diễn đàn đa phương và giải quyết các thách thức đan xen là hết sức quan trọng.

6.Chúng tôi ghi nhận rằng APPF hiện đang đứng trước một bước ngoặt then chốt, và Diễn đàn sẽ cần phải cải cách chính bản thân để phục vụ tốt hơn nhu cầu đối thoại và hợp tác giữa các thành viên và đóng góp nhiều hơn nữa vào hợp tác đa phương ở khu vực và toàn cầu, bao gồm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.

Quan hệ đối tác nghị viện vì một tương lai chung cho Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương

7.Tiếp tục phát huy những thành tựu của APPF và tận dụng những cơ hội mà kỷ nguyên số và toàn cầu hóa mang lại, chúng tôi tin rằng APPF sẽ góp phần định hình một tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng, góp phần duy trì và củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời, đẩy mạnh các nỗ lực đa phương nhằm thích ứng với các thách thức mới. Để thực hiện được tầm nhìn này, chúng tôi tái khẳng định rằng hòa bình, ổn định và an ninh là những tiền đề của phát triển bền vững.

8.Trong một khu vực ngày càng kết nối hơn, chúng tôi tin rằng một trong những mục tiêu quan trọng của các hoạt động của Diễn đàn là tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, và các cộng đồng người dân địa phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như là thúc đẩy phát triển bao trùm hơn trong các xã hội vì lợi ích chung.

9.Chúng tôi cam kết thúc đẩy hơn nữa phạm vi hoạt động của APPF và xây dựng một mối quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm hướng tới tương lai của một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững. Chúng tôi nhấn mạnh mối quan hệ sẽ được xây dựng dựa trên 7 nguyên tắc về quan hệ giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương như được nhắc tới trong Tuyên bố Vancouver, Tokyo, và Hiến chương của tổ chức Vành đai khu vực Thái Bình Dương thể hiện qua Tuyên bố Valparaiso.

10.Chúng tôi nhấn mạnh các cam kết của các nghị viện thành viên đối với các mục tiêu và lợi ích chung, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đa dạng hóa chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố pháp quyền và luật pháp quốc tế.

11.Chúng tôi tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác trên tinh thần đối thoại mang tính xây dựng và thẳng thắn, cùng chấp nhận nhau, hòa hợp, hỗ trợ chung, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và và luật pháp quốc tế.

Các nước thành viên APPF tiếp tục tiên phong trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới, ngăn chặn xung đột và tìm kiếm các giải pháp chấm dứt xung đột, thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, an ninh an toàn hàng hải hàng không; kêu gọi các quốc gia giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, các thỏa thuận có liên quan, bao gồm Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS). Tăng cường đối thoại và hành động chung nhằm giải quyết các đối đe dọa an ninh phi truyền thống, bao gồm cả an ninh lương thực, năng lượng; cải thiện hợp tác trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quản lý tổng hợp và sử dụng bền vững đất, rừng, biển và nguồn nước, thông qua các hoạt động hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực chung. Đẩy mạnh hợp tác về giảm rủi ro và ứng phó thiên tai, phục hồi sau thiên tai trong các lĩnh vực như cải thiện khung chính sách, sáng tạo, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện kinh doanh không bị gián đoạn, các hệ thống cảnh báo sớm, tìm kiếm cứu nạn. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp của các nước thành viên APPF trong các nỗ lực chung nhằm phòng chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

12.Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực và khuyến khích các nước thành viên APPF thực hiện các hành động sau nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Kêu gọi và giám sát chính phủ các nước thành viên APPF nỗ lực hơn nữa và phối hợp trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững và thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Huy động đầy đủ các nguồn lực cho các dự án đầu tư vào công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm điện, thể hiện tinh thần trách nhiệm và đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Thúc đẩy cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho kinh doanh; thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nguồn nhân lực chất lượng, giáo dục, đào tạo việc làm và kỹ năng với mục tiêu nâng cao năng lực lực lượng lao động trong kỷ nguyên số. Tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư mở và tự do, hướng tới một khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối và gắn kết toàn diện; thúc đẩy cơ sở hạ tầng chất lượng, có sức chống chịu, liên kết tiểu vùng và các vùng sâu vùng xa. Tái khẳng định cam kết ủng hộ hệ thống đa phương dựa trên quy tắc, tự do, mở, minh bạch và bao trùm; cam kết kêu gọi các chính phủ hạn chế áp đặt các biện pháp bảo hộ mới. Tăng cường hợp tác để tận dụng tiềm năng của nền kinh tế mạng và kinh tế số, bao gồm thông qua hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại điện tử và số; nâng cao tính cạnh tranh của dịch vụ. Tăng cường tính sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo điều kiện cho các MSMEs tiếp cận về vốn, công nghệ và quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và khung pháp lý về khởi nghiệp và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các MSMEs. Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, tăng năng suất nông nghiệp và sức chống chịu thích ứng với biến đổi khí hậu.

13.Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tiến quy chế hoạt động của APPF liên quan tới hoạch định chính sách, thực thi các Nghị quyết và chương trình nghị sự, cũng như là thành viên và hoạt động của Ban Chấp hành. Chúng tôi tái khẳng định cam kết cải cách APPF vì một Diễn đàn thích ứng tốt hơn trong bối cảnh tình hình khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Trong một thế giới ngày càng gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau, chúng tôi cam kết thúc đẩy phối kết hợp giữa APPF và các diễn đàn nghị viện, các cơ chế khu vực và quốc tế khác nhằm giải quyết các vấn đề khu vực thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể nhằm tăng cường liên kết giữa APPF và các cơ chế khu vực khác, hướng tới xây dựng một tầm nhìn chiến lược góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các kết quả cụ thể của năm APEC Việt Nam 2017 trong việc nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC về thương mại và đầu tư tự do và mở, và tuyên bố tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Chúng tôi ủng hộ vai trò lãnh đạo của APEC trong giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu và xây dựng các cơ chế kinh tế ở khu vực. Chúng tôi xin chúc mừng ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập và hoan nghênh các đóng góp của ASEAN cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực.