Sửa Hiến pháp: Xác định rõ quyền hạn của nguyên thủ quốc gia

(Dân trí) – Chiều 4/8, Quốc hội khóa XIII bắt đầu công việc trọng trách của khóa này: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đề xuất thành lập với 27 lãnh đạo cấp cao của nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.

Sửa Hiến pháp: Xác định rõ quyền hạn của nguyên thủ quốc gia - 1
Đại biểu đặt vấn đề "giải mã" khái niệm quyền lực nhân dân (ảnh: Việt Hưng).
 
Tờ trình của  Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày nêu ra bảy định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Hiến pháp sửa  đổi được áp yêu cầu để xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước. Đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

UB Pháp luật cũng đề nghị xác định rõ chế định Chủ tịch nước về trách nhiệm, quyền hạn của nhân sự này trong thực hiện vai trò là nguyên thủ quốc gia, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân.

Đa số đại biểu tham gia ý kiến đều cho rằng, trong lần sửa  đổi này nên tập trung vào định hướng về tổ chức bộ máy nhà nước. Đại biểu Nguyễn  Đình Quyền (Hà Nội), khi bàn về vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa  đổi lần này phải giải mã được rạch ròi tư  tưởng “tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân”.

Chia sẻ nhận  định này, ông Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích, khi trong luật ghi rõ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì phải phân định rõ ràng quyền của dân nằm ở đâu.

Theo ông Lịch, theo như Hiến pháp năm 1946 thì dân còn có quyền phúc quyết. Vì vậy, trong việc sửa đổi lần này nên làm rõ vấn đề dân ủy quyền cho Quốc hội đến đâu, trong phạm vi nào? Còn lại, phạm vi nào là phạm vi người dân trực tiếp quyết định. Theo ông Lịch, người dân phải có quyền phúc quyết Hiến pháp.
 
Sửa Hiến pháp: Xác định rõ quyền hạn của nguyên thủ quốc gia - 2
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một trọng trách của Quốc hội XIII (ảnh: Việt Hưng).

Ông Trần Du Lịch cũng nêu vấn đề, cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa rõ và vẫn còn là một vướng mắc. Vì  vậy, ban soạn thảo nên nghiên cứu để đưa ra định hướng cụ thể. Chẳng hạn, làm thế nào để phân quyền nhưng không mất quyền.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại nhấn mạnh, vấn đề kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước là một định hướng lớn và mới mẻ. Đặc biệt, vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội rất quan trọng và phải được làm rõ.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng nêu danh sách dự kiến các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và một Phó Chủ tịch QH sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch UB sửa đổi. 25 ủy viên khác đều là các vị lãnh đạo cao nhất các khối cơ quan tòa án, viện kiểm sát, mặt trận tổ quốc. 5 bộ trưởng, 4 chủ nhiệm các Ủy ban của QH cũng có tên trong cơ cấu dự kiến.
 

Theo lộ trình dự kiến, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi trong kỳ họp này, Ủy ban sẽ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiếp pháp 1992 trong khoảng nửa năm. Việc này sẽ kết thúc vào tháng 3/2012.

Dự thảo lần thứ nhất Hiến pháp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012). Ủy ban sẽ có hơn 1 tháng để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo lần thứ 2 để báo cáo Bộ chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng vào tháng 12/2012.

Bản Dự thảo này sẽ được công bố lấy ý kiến rộng rãi trong khoảng 1 tháng (tháng 3-4/2013).

Trên cơ sở những ý kiến ghi nhận được, Ủy ban sẽ chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần nữa vào khoảng tháng 6/2013. Dự kiến, trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2013, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

P.Thảo