Sắp diễn ra 3 hội nghị đối ngoại đa phương lớn tại Hà Nội

(Dân trí) - Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức 3 hội nghị đối ngoại đa phương lớn tại Hà Nội từ ngày 24-26/10, trong đó có hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV) với chủ đề tập trung thảo luận biện pháp quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong.

Sáng ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo quốc tế về việc tổ chức Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phray – Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7); Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV) và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF-Mekong).

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, đây là các hội nghị đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý (giữa) chủ trì buổi họp báo quốc tế về 3 hội nghị ACMECS 7, Hội nghị CLMV8 và WEF-Mekong
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý (giữa) chủ trì buổi họp báo quốc tế về 3 hội nghị ACMECS 7, Hội nghị CLMV8 và WEF-Mekong

Tham dự các Hội nghị có Lãnh đạo Cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới, các doanh nghiệp lớn của các nước Mekong, các học giả, viện nghiên cứu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị ACMECS 7 và Hội nghị CLMV8.

Các hội nghị cấp cao ACMECS và CLMV lần này tập trung thực hiện mục tiêu chung của các nước thành viên hướng tới xây dựng một tiểu vùng Mekong hòa bình và thịnh vượng, làm nổi bật sự năng động và khả năng nắm bắt cơ hội của các nước thành viên trong bối cảnh mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới và xác định hướng đi phù hợp trong hợp tác giữa các nước trong giai đoạn tới.

Điểm nhấn chính của cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS là hướng tới kết quả cụ thể, với các dự án chương trình nổi bật như xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông dọc các Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và Hàng lang kinh tế phía Nam (SEC); ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận song phương và đa phương về vận tải, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới; các chương trình học bổng và dạy nghề.

“Khác với hội nghị như APEC hay ASEM, các hội nghị cấp cao lần này tại Hà Nội là cuộc gặp gỡ và thảo luận của các nước láng giềng với nhau về các vấn đề liên quan. Vì vậy, đây chính là cơ chế quan trọng để tăng cường lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực”, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho hay.

Trong khi đó, Hội nghị WEF - Mekong sẽ mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết, đây là Hội nghị WEF - Mekong đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện dự kiến thu hút sự tham dự của đại diện đến từ 160 công ty, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới là thành viên của WEF, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận việc thúc đẩy hợp tác để đánh thức tiềm năng của khu vực Mekong.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đặng Đình Quý cũng cho biết, nhân dịp này Tổng thống Myanmar Htin Kyaw sẽ thăm chính thức Việt Nam.

Nam Hằng