Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Kết quả phòng chống tham nhũng còn khiêm tốn

(Dân trí) - Làm việc với Thanh tra Chính phủ hôm qua 6/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, tình hình khiếu nại tố cáo vẫn còn diễn ra căng thẳng, tiềm ẩn nhiều phức tạp; công tác phòng chống tham nhũng kết quả đạt được còn khiêm tốn, số vụ việc tham nhũng phát hiện, xử lý chưa nhiều...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thanh tra Chính phủ)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thanh tra Chính phủ)

Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành thanh tra trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngành thanh tra đã quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động thanh tra có nhiều tiến bộ, xử lý được nhiều vi phạm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai và đang đi vào thực tiễn góp phần chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà nước. Trình độ, năng lực của cán bộ thanh tra tiếp tục được nâng lên và hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, hiệu quả công tác tuyên truyền về hoạt động ngành thanh tra ngày càng được nâng cao…

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những bất cập, yếu kém, hạn chế mà ngành thanh tra cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới như: tiến độ thực hiện một số cuộc thanh tra còn chậm; kiến nghị xử lý sau thanh tra chưa đủ nghiêm; chất lượng một số kết luận thanh tra còn hạn chế; vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được thanh tra, xử lý kịp thời.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình khiếu nại tố cáo vẫn còn diễn ra căng thẳng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, tỉ lệ giải quyết dứt điểm còn thấp. Công tác phòng chống tham nhũng kết quả đạt được còn khiêm tốn, số vụ việc tham nhũng phát hiện, xử lý chưa nhiều, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp.

Chính vì thế, thời gian tới ngành thanh tra phải tăng cường đoàn kết nội bộ; nâng cao chất lượng và trình độ công tác chuyên môn; tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Thanh tra Chính phủ cần chủ động, kịp thời tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Về công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và trình Chính phủ dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ cần tích cực, khẩn trương hoàn thiện, lấy ý kiến, đánh giá của các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng trong sửa đổi Luật này.

Nhằm giải quyết tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài, Phó Thủ tướng lưu ý ngành thanh tra, cùng các cơ quan chức năng tăng cường giải thích pháp luật cho người dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định; quá trình giải quyết, kết luận về khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm đúng pháp luật, rõ ràng, tránh tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Thanh tra Chính phủ cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan, địa phương trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương và địa phương trước tình trạng phức tạp, có những đối tượng quá khích hoặc bị kích động gây rối.

Báo cáo kết quả công tác thanh tra năm 2015 và quý I/2016 tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, toàn ngành đã triển khai hơn 8.000 cuộc thanh tra hành chính, gần 277.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm gần 120,8 tỷ đồng, 18,4 nghìn ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 24,7 nghìn tỷ đồng và 7 nghìn ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 96 nghìn tỷ đồng, 11,3 nghìn ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.839 tập thể; xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân 12,1 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 72 vụ và 79 đối tượng.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp hơn 451.000 lượt công dân với 223.800 vụ việc; có 6.080 đoàn đông người, trong đó: Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 33.753 lượt người, đến trình bày 9.205 vụ việc; có 994 lượt đoàn đông người.

Tiếp nhận, xử lý hơn 277.200 đơn thư, đã giải quyết gần 30.600 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 138 tỷ đồng, 166 ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.735 người, kiến nghị xử lý hành chính 534 người; chuyển cơ quan điều tra 18 vụ, 10 người.

Thế Kha