"Ôtô, điện thoại sang nhất thế giới đều có tại Việt Nam"

(Dân trí) - “Chúng ta là nước nghèo, nhưng ô tô hạng sang nhất, điện thoại loại sang nhất thế giới đều có cả” - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận khi giải trình những ý kiến truy vấn của đại biểu Quốc hội về “vấn nạn” nhập siêu của nền kinh tế.

94,4% cơ cấu nhập siêu là từ hàng Trung Quốc

Băn khoăn về tình hình nhập siêu, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phân tích con số 10 năm (2001-2010) đã nhập siêu hơn 81 tỷ USD. Riêng năm 2010 nhập siêu 13 tỷ USD, 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhập siêu vẫn tiếp tục tăng. Ông Đáng cũng đặt vấn đề, nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp để giảm nhập siêu, không nhập những mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước có thể sản xuất được và hạn chế nhập hàng tiêu dùng… nhưng không thay đổi được tình hình.
 
"Ôtô, điện thoại sang nhất thế giới đều có tại Việt Nam" - 1
Đại biểu "truy" nghịch lý nhập siêu (ảnh: Việt Hưng).

Ở khía cạnh khác, đại biểu cho rằng, do hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải chấp nhận nhất định việc nhập siêu. Nhưng để nhập siêu vẫn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm, ngày càng cao, ông Đáng cho rằng, bản chất là hậu quả của sự quản lý yếu kém. “Truy” đến cùng, hàng muốn nhập khẩu phải có quota mà tỉnh, huyện không có thẩm quyền cấp nên vấn đề thuộc trách nhiệm cơ quan quản lý TƯ.

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) chia sẻ lo ngại về tình trạng nhập nhiều mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước có thể sản xuất được. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm, việc nhập các mặt hàng này có giá trị 1,36 tỷ USD. Bà Thịnh nhấn mạnh nguy cơ nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu, cấp thiết trong khi tình hình dự trữ ngoại hối hiện vẫn ở mức thấp. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề đáng ngại.

Phân tích sâu hơn, trong cơ cấu hàng nhập khẩu, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc chiếm 82%. 4 tháng đầu năm tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc tới hơn 7 tỷ USD, trong đó nhập hàng tiêu dùng gần 2 tỷ USD. Trong các mặt hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc có sữa, trứng gia cầm, hoa quả, rau củ, bột ngũ cốc, dầu thực vật… đều là những sản phẩm trong nước sản xuất và đủ cung cấp cho nhu cầu nội địa.
 
So sánh với nguồn thu từ xuất khẩu nông sản từ một tỉnh lúa gạo hàng đầu như Vĩnh Long, nửa đầu năm mới được 260 triệu USD, bà Thịnh thở dài.  

Thông điệp đáng lo ngại

Về tình hình nhập siêu trong năm 2010, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) phân tích, 94,4% từ Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay nhập 7,4 tỷ USD thì có 6 tỷ nhập từ TQ, chiếm 88,4%. Trong đó, cơ cấu nhập thực phẩm, trái cây gần 150 triệu USD, linh kiện điện tử 1,6 tỷ USD, riêng điện thoại 611 triệu USD. Bà Yến cho rằng, cần “kích” người dân tư tưởng dùng hàng Việt là yêu nước để nâng cao năng lực hàng nội.

Từ vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi, nền kinh tế Việt Nam có thực sự lành mạnh, không bị lệ thuộc, nhất là với Trung Quốc? Truy tìm vấn đề trách nhiệm, ông Quốc dẫn lại sự việc vừa qua, người trồng vải “lo toát mồ hôi” vì mùa vụ bội thu, thu hoạch đồng loạt mà các cơ quan quản lý DNNN đóng cửa im ỉm, trong khi thương lái Trung Quốc tung hoành thu mua, thậm chí thả sức ép giá. Đại biểu cho rằng, sự việc liên hệ với tình trạng nhập siêu hiện nay để lại nhiều thông điệp đáng lo ngại.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xác nhận, nhiều năm nay, Việt Nam luôn là nước nhập siêu. Từ 2007, khi trở thành thành viên WTO tình hình nhập siêu có biến động phức tạp.
 
"Ôtô, điện thoại sang nhất thế giới đều có tại Việt Nam" - 2
Bộ trưởng Công thương: "Một bộ phận người tiêu dùng chuộng hàng ngoại" (ảnh: Việt Hưng).

“Tâm lý một bộ phận người tiêu dùng là chuộng hoàng ngoại. Chúng ta là nước nghèo, nhưng ô tô hạng sang nhất, điện thoại loại sang nhất thế giới đều có cả” - Bộ trưởng Công thương thừa nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng “thanh minh” 83% lượng hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị nguyên liệu đầu vào của sản xuất. Nhập khẩu tiêu dùng chưa đến 7%. Cơ cấu nhập khẩu này là cần thiết trong bối cảnh công nghiệp hóa đất nước. Ông Hoàng dẫn đánh giá chung, những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay, mức nhập siêu có thể chấp nhận được là 20% so với tổng kim ngạch xuất nhập.

Về trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần, theo quy định khi gia nhập WTO, hiện chỉ còn 4 mặt hàng Việt Nam có thể áp hạn ngạch nhập khẩu là muối, đường ăn, dầu, trứng gia cầm. Các cơ quan quản lý nhà nước đã cố gắng hạn chế bằng cách dùng các chỉ tiêu kỹ thuật. Bộ Công thương mới đây nhất đã quy định các mặt hàng xa xỉ như mỹ phẩm, điện thoại, rượu ngoại chỉ được nhập về qua 3 cảng biển TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.
 
Đại biểu Dương Trung Quốc: Xây dựng lòng tin của dân từ vấn đề biển Đông
 
"Ôtô, điện thoại sang nhất thế giới đều có tại Việt Nam" - 3
Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong giờ nghỉ (ảnh: Việt Hưng).

“…Kỳ họp này, theo tôi, có một vấn đề hệ trọng chưa được quan tâm đúng mức. Tình hình biển Đông với sự tranh chấp, đe dọa, không ổn định, không chỉ các nước liên quan mà cả thế giới hiện rất quan tâm.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông chưa thể hiện đúng mức, xứng tầm vấn đề. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không gây hoang mang nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Vấn đề đáng ra phải thể hiện trong báo cáo của Chính phủ, thảo luận ở Quốc hội với đúng tầm để nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Ngay khi bắt đầu chương trình làm việc của Quốc hội, không khí dường như coi như không có gì xảy ra với biển Đông. Phải khi dư luận, đại biểu Quốc hội yêu cầu mới được nghe Chính phủ báo cáo, chưa tới 60 phút và không thảo luận.

Tôi đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao ý kiến của tôi rằng, nếu báo cáo đó được công khai, được thảo luận chỉ tốt hơn vì người dân hiểu hơn, ta cũng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, thông cảm hơn. Đừng tạo nên những khoảng cách không đáng có trong Chính phủ và người dân, dù sự cẩn trọng là cần thiết.

Nguyên lý dân biết thì dân mới làm và dân mới có điều kiện kiểm tra Chính phủ là chuyện muôn đời. Tại sao nội dung báo cáo về tình hình biển Đông vừa qua lại phải là một phiên họp kín mà chỉ ở tư cách đại biểu mới có quyền được biết. Khi người dân biết, tôi tin người dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không thì đó là điều thứ yếu.

Nếu không ra một nghị quyết riêng thì vấn đề cũng cần đề cập trong nghị quyết chung về tình hình kinh tế xã hội, nói rõ về quan điểm của Việt Nam, lập trường của Việt Nam và sự ủng hộ của dân ta”.
 
 

P.Thảo