Người chủ tịch xã dũng cảm, kiên cường

(Dân trí) - Khi đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội - xã đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi thấy phần mộ của liệt sĩ Chu Trí Tấn, nguyên Chủ tịch xã, Huyện ủy viên nằm đầu tiên trong tiền sảnh nghĩa trang.

 

Ông Chu Trí Tấn thời gian làm chủ tịch UBKC Ngãi Cầu.

Ông Chu Trí Tấn thời gian làm chủ tịch UBKC Ngãi Cầu.

Ông Chu Trí Tấn sinh năm 1925, xuất thân trong một gia đình Nho giáo tại xã Ngãi Cầu, tổng Yên Lũng, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ; nay thuộc địa phận thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Học xong tiểu học, ông ra Hà Đông làm việc tại một xưởng dệt lớn ở Vạn Phúc.

Sau nhiều cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương, ông Chu Trí Tấn đã cùng một số bà con tổ chức thành lập Hội Thanh niên cứu quốc xã Ngãi Cầu, đoàn thể Việt Minh đầu tiên của địa phương.

Cuối năm 1942, ông Tấn đã bị giặc Pháp bắt giam tại nhà lao Hoài Đức. Ra tù, ngày 1/5/1943, ông đã tham gia cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động với hơn 300 công nhân dệt ngay tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.

Tổng Khởi nghĩa tháng 8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời xã Ngãi Cầu được thành lập. Ông Chu Trí Tấn được đề cử làm phó Chủ tịch, được bầu vào Hội đồng nhân dân xã, được phân công làm Ủy viên Quân sự rồi làm chủ tịch Ủy ban Bảo vệ xã.

Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, ông Chu Trí Tấn được giao nhiệm vụ tổ chức thành lập trung đội tự vệ vũ trang đầu tiên của xã, nhận quyết định làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã, đã chỉ huy du kích xã phối hợp với đại đội 36 Vệ Quốc đoàn chiến đấu dũng cảm đánh lui cuộc tiến công của giặc Pháp. Ngày 19-5-1947, ông Chu Trí Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản, được chỉ định làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên xã An Khánh - An Thượng, được bầu làm Huyện ủy viên huyện Hoài Đức.

Thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954, tên Chánh mật thám tỉnh Hà Đông Nguyễn Tiến Trang nhiều lần tổ chức cho bọn lính Pháp - ngụy càn quét đánh phá, gây nhiều tội ác với nhân dân địa phương. Có lần tên Trang chỉ điểm cho giặc Pháp vây chùa Phổ Quang thuộc địa bàn An Khánh trong lúc  đồng chí Chu Trí Tấn và một số cán bộ huyện đang họp riêng tại một căn hầm bí mật trong chùa. Các đồng chí đã được sư nữ Thích Đàm Hán mật báo cho biết nên đã trèo lên cây vượt tường ra ngoài trốn thoát. Sư Cụ Thích Đàm Hán hiện nay đang chủ trì Chùa Bộc Hà Nội.

Ngày 12-11-1948, nhận nhiệm vụ trên, ông Tấn đã chỉ huy một đội du kích trong đó có một số đồng chí thuộc đội Công an Z Hà Đông bắn chết tên Trang khi tên này đến gây tội ác tại Ngãi Cầu.

Sau đó, tên sĩ quan chỉ huy Pháp đã treo giải thưởng mấy vạn tiền Đông Dương cho bốt nào bắt được ông Chu Trí Tấn mang nộp.

Đêm 9-8-1951, ông Tấn nhận nhiệm vụ chủ trì cuộc  họp tại gia đình một cơ sở tin cậy ở xóm Đông  Ngãi Cầu với 3 đồng chí huyện mới tăng cường về xã .

Vừa đến đầu xóm Đông, ông Tấn gặp 3 tên lính hương dõng. Chúng đồng loạt nổ súng, một viên đạn đã làm bị thương cánh tay phải ông. Tuy vậy ông vẫn kịp thời dùng súng ngắn bắn trả rồi đứng lên chạy về phía Đống Vuông ngoài vệ làng. Bọn địch đuổi theo bắt được, bắt mấy người dân khiêng ông về bốt Ngãi Cầu. Tên chỉ huy đã thưởng ngay một vạn tiền Đông Dương [1] cho tên lính hương dũng đã bắt được ông Chu Trí Tấn.

Sau nhiều lần tra tấn dã man, bọn địch không nhận được một lời khai nào của ông.

Và ông Chu Trí Tấn đã vĩnh viễn ra đi hồi 2 giờ ngày 10/8/1951 khi vừa 26 tuổi.

Sáng hôm đó bọn địch đã dựng thi hài ông Tấn ở cổng chợ nhằm hăm dọa dân làng .

Ông hy sinh, để lại người vợ hiền và cậu con trai mới vừa hai tuổi.

Sau khi ông mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Quyết ngoài việc ở lại một mình nuôi con  khôn lớn thành đạt còn tham gia nhiều hoạt động chính trị xã hội ở địa phương: Đảng ủy viên, ủy viên Hội đồng nhân dân, bí thư  Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã An Khánh.

Cậu con Chu Trí Thắng biết thương yêu bố mẹ đã luôn phấn đấu, tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Baku, Azerbaijan, Tiến sĩ nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuy đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn làm việc trong đề tài cấp nhà nước về "nghiên cứu và khai thác tài nguyên Biển Đông", vợ là giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, các con đều đã tốt nghiệp Đại học hoặc trên Đại học trong, ngoài nước xứng đáng với truyền thống cha, ông đi trước.

*           *           *

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, tôi cùng gia đình liệt sĩ Chu Trí Tấn đến thăm phần mộ liệt sĩ  trong nghĩa trang liệt sĩ xã An Khánh, huyện Hoài Đức Hà Nội. Nhiều bà con cùng hoạt động với chủ tịch Chu Trí Tấn và giúp đỡ ông thời kháng chiến chống Pháp đã chỉ cho chúng tôi những nơi trước đây, khi sinh thời, ông đã dũng cảm chiến đấu chống những trận càn của giặc Pháp, tập kích vào đồn giặc và nơi ông đã bị giặc Pháp bắt rồi tra tấn đến lúc ông hi sinh khi mới ở tuổi 26.

Mọi người dân An Khánh đều thương tiếc  người Chủ tịch xã, người huyện ủy viên, dũng cảm kiên cường đã giành cả tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước.

Đại tá Đỗ Sâm

[1] Thời gian ấy 1.000 tiền bạc Đông Dương mua được 5 tạ gạo.