Quảng Trị:

Lễ truy điệu bí mật và những chiếc khăn tang buộc ở cổ tay để tang Bác Hồ

(Dân trí) - Bằng tấm lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ nên khi nhận tin Người từ trần, mọi người đều bày tỏ xúc động, lòng tiếc thương vô hạn. Dù hoạt động trong lòng địch, bị chúng thường xuyên theo dõi, nhưng chi bộ Đảng và người dân thôn Hà Xá, tỉnh Quảng Trị vẫn bí mật tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công và rất chu đáo.

Ngay tại vị trí đã từng tổ chức lễ truy điệu Người trước đây, chính quyền địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của vị lãnh tụ kính yêu đối với dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi để người dân đến viếng, tỏ lòng kính trọng đối với Bác, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào đối với các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

Đền thờ Bác Hồ - nơi người dân thể hiện lòng tri ân, kính trọng đối với Người

Những ngày này, người dân địa phương tạm gác lại công việc thường nhật để đến dâng nén nhang thơm tưởng nhớ Bác Hồ dịp kỷ niệm ngày mất của Người. Gặp chúng tôi tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, ông Phan Hữu Thiện – người đảm nhận công việc hương khói, trông coi, quét dọn khuôn viên đền thờ Bác Hồ xúc động nói: Đền thờ là nơi để nhân dân địa phương thể hiện tình cảm trân trọng đối với Bác Hồ. Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và dẫn dắt cuộc cách mạng đi đến thắng lợi, thống nhất non sông. Dù Bác Hồ đã mất nhưng Người vẫn ở trong lòng nhân dân. Cứ vào các ngày lễ, tết là người dân lại tập trung đến đây để viếng Người.

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái là nơi để mọi người bày tỏ lòng kính trọng, tri ân đối với lãnh tụ
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái là nơi để mọi người bày tỏ lòng kính trọng, tri ân đối với lãnh tụ
Ông Thiện kính cẩn thắp nén nhang lên bàn thờ Bác Hồ
Ông Thiện kính cẩn thắp nén nhang lên bàn thờ Bác Hồ

Vừa dứt lời, ông Thiện lại cẩn trọng quét dọn xung quanh rồi kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ Bác Hồ. Nói về công việc mà ông đã làm mấy năm nay, ông Thiện xua tay rồi bảo những việc nhỏ nhặt ấy khởi phát từ lòng kính trọng, ngưỡng mộ đối với Bác. Ông cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tự tay mình chăm sóc nơi thờ Người, để nơi đây luôn sạch sẽ, tôn nghiêm, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ngược về quá khứ, cách đây 47 năm, vào tháng 9/1969, nhân dân xã Triệu Ái nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc trút hơi thở cuối cùng, người dân nơi đây đã bí mật tổ chức thành công lễ truy điệu và để tang Bác Hồ. Thời khắc lịch sử năm ấy được ghi lại cụ thể là ngày 25/9/1969, tại Ngõ nhà ông Phan Tường, thôn Hà Xá.

Tấm bia ghi rõ thời gian Chi bộ Hà Xá và nhân dân tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác Hồ khi nhận được tin Người mất
Tấm bia ghi rõ thời gian Chi bộ Hà Xá và nhân dân tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác Hồ khi nhận được tin Người mất

Sau lễ truy điệu đầy xúc động ấy, nhiều gia đình cách mạng đã lập bàn thờ, buộc khăn tang ở cổ tay, ở quai nón trong 7 ngày để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, do quân địch tăng cường đàn áp nên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chỉ có thôn Hà Xá lúc bấy giờ tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ.

Nhớ về những ngày tháng lịch sử ấy, bà Trịnh Thị Thanh Mão, Nguyên Bí thư Chi bộ thôn Hà Xá (năm 1969) vẫn không cầm được nước mắt. Bà nói: “Mặc dù lúc ấy nhân dân trong xã bị địch quản thúc rất chặt, mọi hoạt động, mọi bước đi đều bị theo dõi. Thế nhưng, nhân dân vẫn luôn một lòng hướng về Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Khi nghe tin Bác từ trần thì mọi người hết sức đau xót, ai cũng đau đớn, buồn rầu, thương tiếc Bác. Trước tình hình đó, Chi bộ đã họp bàn thống nhất quyết định sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ”.

Bà Mão nhớ lại: “Để đảm bảo tính bí mật, chúng tôi đã đến từng nhà vận động, thông báo cho người dân được biết và lên phương án chủ động tránh địch phát hiện. Lúc ấy dưới vỏ bọc tổ chức lễ cầu an rằm tháng 8 để lồng ghép thực hiện lễ truy điệu Bác. Dưới sự tổ chức chặt chẽ, đoàn kết một lòng của nhân dân nên đã ngụy trang thành công đảm bảo được bí mật cho đến ngày làm lễ truy điệu Bác. Buổi lễ truy điệu diễn ra thành công như mong muốn của Chi bộ và nhân dân thôn Hà Xá”.

Khi đất nước hòa bình, để ghi nhớ giá trị lịch sử của sự kiện này, năm 2004 UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định cấp Bằng Chứng nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích Ngõ nhà ông Phan Tường, sau này được gọi Đền thờ Bác Hồ. Vào năm 2007, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng để người dân trong tỉnh đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đến Người.

Đền thờ Bác Hồ có một vị trí tinh thần đặc biệt quan trọng trong lòng mỗi người dân Quảng Trị. Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, hay những ngày lễ, tết khác của dân tộc, cánh cửa Đền thờ Bác Hồ luôn được mở rộng để chào đón mọi người dân trên mảnh đất Quảng Trị đến dâng hoa, thắp nén nhang tưởng nhớ Bác.

Đền thờ Bác Hồ cũng là nơi để các đơn vị, cá nhân báo công lên Bác về các hoạt động, thành tích nổi bật trong học tập, xây dựng đất nước. Đặc biệt, nơi đây trở thành đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trong dòng người đến viếng tại đền thờ Bác Hồ, chúng tôi ấn tượng về hình ảnh những em học sinh được các thầy, cô giáo dẫn đến dâng hương tưởng nhớ công lao của vị lãnh tụ vĩ đại. Đứng dưới đền thờ Bác Hồ, các em được nghe kể những câu chuyện về lối sống giản dị, đạo đức trong sáng và những hoạt động của Người…

Học sinh được thầy cô giáo dẫn đến dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học sinh được thầy cô giáo dẫn đến dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Người dân xã Triệu Ái nói chung và thôn Hà Xá nói riêng luôn lấy làm tự hào vì Đền thờ Bác Hồ là nơi minh chứng cho truyền thống anh hùng cách mạng của mảnh đất và con người nơi đây. Người dân Hà Xá anh dũng kiên cường trong chiến tranh, ngày nay lại cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và phát triển.

Đăng Đức