Quảng Ngãi:

Kiên quyết loại bỏ cán bộ tha hóa ra khỏi bộ máy Đảng và Nhà nước

(Dân trí) - Nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thực hiện triệt để Nghị quyết TƯ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Quyết định 306 quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

Điểm mới trong Quyết định 306, khi người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật với tính chất và mức độ như nhau thì người đứng đầu bị xử lý nặng hơn một mức so với cấp phó.

Ông Lê Viết Chữ trao đổi với PV Dân trí về mục đích, giải pháp và chế tài xử lý kỷ luật theo Quyết định 306 của BTV Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Ông Lê Viết Chữ trao đổi với PV Dân trí về mục đích, giải pháp và chế tài xử lý kỷ luật theo Quyết định 306 của BTV Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Để hiểu rõ về nội dung Quyết định 306 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành vào tháng 5/2016, PV Dân trí có cuộc phỏng vấn ông Lê Viết Chữ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

- Việc ban hành Quyết định 306 đã thể hiện sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy của địa phương. Bí thư cho biết, mục đích cốt lõi trong việc triển khai về quyết định này?

- Trước đây, địa phương chưa làm rõ chức năng của từng cơ quan, đơn vị, cán bộ cho nên có biểu hiện thành tích đạt được thì ghi nhận cho cá nhân, còn sai phạm và yếu kém lại đổ lỗi cho tập thể. Do đó, Quyết định 306 nhằm xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hành vi vi phạm của người đứng đầu. Đặc biệt làm rõ hơn trách nhiệm tập thể và cá nhân.

Đồng thời, khắc phục tình trạng né tránh, đùng đẩy trách nhiệm, biến có thành không, biến đơn giản thành phức tạp, biến dễ thành khó để rồi nhũng nhiễu và tiêu cực. Khắc phục tình trạng cái gì có lợi cho cá nhân, nhóm người mà không có lợi cho dân, cho nhà nước dẫn đến nẩy sinh đùn đẩy và né tránh trách nhiệm.

Thông qua Quyết định này, công tác quản lý cán bộ, công chức được chặt chẽ hơn. Khi phát hiện sai phạm, cán bộ không hoàn thành chức trách được giao, suy thoái đạo đức, tư tưởng lối sống thì cần nghiêm khắc xử lý, xem xét đưa cán bộ vi phạm ra khỏi bộ máy, không phân biệt đó là cấp nào, lãnh đạo nào. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với quyền hạn, trách nhiệm, hiệu quả giải quyết công việc, tạo ra động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới, gắn với kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

- Trong quá trình triển khai mục đích của Quyết định 306 đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp cụ thể như thế nào?

- Song song việc triển khai theo Quyết định 306, cả hệ thống chính trị phải thực hiện tốt nội dung Nghị quyết TƯ 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Yêu cầu từng cấp ủy, lãnh đạo từng đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể và ký cam kết với Ban thường vụ Tỉnh ủy; làm căn cứ, căn cứ chính trị để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm tạo sự thay đổi đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị.

Từng cán bộ do Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải thường xuyên kiểm tra chính mình, giám sát kết quả nhiệm vụ của cấp dưới. Trong đó, cần thay đổi việc đánh giá cán bộ không dựa vào báo cáo thành tích, bằng cấp mà quan trọng xem mức độ hoàn thành hiệu quả công việc, nhận thức thực hiện chức trách nhiệm vụ đến mức nào.

Với vai trò là người đứng đầu hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi, tôi kiên quyết loại bỏ cán bộ tha hóa ra khỏi bộ máy Đảng và Nhà nước với biểu hiện trì trệ, bảo thủ, thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né trách, có hành động cản trở sự phát triển của xã hội.

Khi thực hiện tốt ý nghĩa trên, tôi hi vọng sàng lọc những cán bộ yếu kém, góp phần tinh gọn bộ máy, bố trí lại cán bộ hợp lý, tạo ra môi trường làm việc tích cực và năng động. Đó cũng là cơ sở khơi dậy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm trong cán bộ Đảng viên.

- Bí thư nêu rõ, hình thức xử lý vi phạm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong QĐ 306 có điểm gì mới so với những quy định xử lý cán bộ trước đây?

- Hình thức xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vẫn theo các mức gồm khiển trách, cảnh cáo, giáng chức và cách chức. Nếu cán bộ tái phạm hành vi vi phạm thì hình thức xử lý tăng mức kỷ luật.

Theo thống kê, từ năm 2013-2015, tỉnh Quảng Ngãi đã xử lý kỷ luật 144 công chức, viên chức vi phạm pháp luật. Riêng năm 2014, kỷ luật mức khiển trách 20 cá nhân, cảnh cáo 10 người, giáng chức 1 cán bộ, cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 đối tượng. Trong năm 2015, có 50 cá nhân bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách 31 trường hợp, cảnh cáo 8 người, giáng chức 1 cán bộ, buộc thôi việc 9 cá nhân và hạ bậc lương 1 công chức.

Nội dung vi phạm nếu cán bộ có biểu hiện bảo thủ, trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả thấp; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; gây phiền hà cho tổ chức, công dân; cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; để vợ, con tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm bản thân; lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động không hoàn thành nhiệm vụ trong năm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì khuyến khích từ chức hoặc điều chuyển, bố trí công tác khác.

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ như nhau thì người đứng đầu bị xử lý nặng hơn một mức so với cấp phó của người đứng đầu.

Đối với người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm thi hành kỷ luật khi cấp dưới vi phạm mà người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết chấp dứt vi phạm và khắc phục hậu quả; không kiểm tra và đôn đốc cấp dưới thực hiện nhiệm vụ; cấp dưới xin ý kiến nhưng người đứng đầu chỉ đạo không khả thi; đưa ra ý kiến chỉ đạo, tham mưu cho cấp trên trái quy định pháp luật; không thực hiện đúng thời hạn được giao; để cấp dưới lạm quyền có hành vi tham nhũng và thất thoát tài sản; không làm hết trách nhiệm giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo dẫn đến nhân dân gửi đơn vượt cấp kéo dài; bao che vi phạm của cấp dưới;...

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Long (thực hiện)