Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng

(Dân trí) - Qua kiểm toán tại 30 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Cơ quan kiểm toán nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội. Theo kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 thì hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.


Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách

Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách

Sơ hở khác, việc thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế này cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nghịch lý vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Cơ quan kiểm toán khái quát, việc thực hiện dự án BT, theo đó, không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Báo cáo cũng nêu rõ việc nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng. Như dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn số vốn góp thiếu so với cam kết 128,82 tỷ đồng.

Có nơi thì ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư. Đó là tỉnh Hà Nam với dự án sân vận động Đồng Văn và hạ tầng khu đất xung quanh; dự án Hạ tầng kỹ thuật khu hồ A1 (giáp bệnh viện Lao) và tuyến đường nối từ đường Trần Hưng Đạo với đường 42m thuộc quy hoạch khu đô thị Liêm Chính, thành phố Phủ Lý.

Việc xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở như dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án công trình nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế - thành phố Đà Nẵng.

Quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính là dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Kiểm toán xác định chi phí lãi vay giảm 131,43 tỷ đồng).

Xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý là dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn. Phương án tài chính của dự án chưa dự tính đến nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng (tính đến thời điểm 30/9/2017 là 177,2 tỷ đồng), nếu thực hiện hoàn thuế thì giảm được số lãi vay tương ứng 12,2 tỷ đồng).

Tại Hà Nội, một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định như dự án Đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, (tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng).

Tỉnh Hà Nam có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu hồ A1 (giáp bệnh viện Lao) và tuyến đường nối từ đường Trần Hưng Đạo với đường 42m thuộc quy hoạch khu đô thị Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, (xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chưa chính xác, Kiểm toán Nhà nước xác định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng trong giá trị hợp đồng BT giảm 11,3 tỷ đồng).

Xác định tổng mức đầu tư không chính xác có dự án công trình nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế - thành phố Đà Nẵng; dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, thành phố Thái Bình đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10; dự án Đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu nhà 5 tầng, tổ 39, 40, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Báo cáo Kiểm toán nêu rõ, việc lập dự án, phê duyệt thiết kế dự toán của hầu hết các dự án còn sai sót về khối lượng, định mức đơn giá. Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

P.Thảo