Thanh Hóa:

Gian nan con đường xóa bản “trắng” Đảng viên của người lính biên phòng

(Dân trí) - Sau khi được tăng cường từ đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát- Thanh Hóa) về làm Phó Bí thư Đảng xã Trung Lý, người lính biên phòng ấy đã dày công thực hiện nỗi trăn trở bấy lâu đó là xóa 12 bản “trắng” Đảng viên của người H’Mông trong vô vàn gian nan.

Bản  H’Mông ở Trung Lý giờ đây khi nhắc đến người đưa Đảng về làng đều không thể quên thiếu tá Phạm Văn Tôn, cán bộ Đồn biên phòng Trung Lý. Từ một xã có tới 12/12 bản đồng bào H’Mông đều “trắng” Đảng viên, nhưng với lòng quyết tâm đưa Đảng về với đồng bào, từ năm 2010 đến nay,  sau khi được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng bộ xã Trung Lý, Thiếu tá Tôn đã phải dày công đưa Đảng về với đồng bào H’Mông.

Nhờ công sức của anh, giờ đây, 12 bản người H’Mông đã có 86 Đảng viên. Đồng bào H’Mông càng ngày càng tin theo Đảng, các chương trình nghị quyết của Đảng đang dần đi vào đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số này.

Gian nan đưa Đảng về bản

Có lẽ khi nhắc đến những tháng ngày dày công thực hiện niềm trăn trở của mình, Thiếu tá Tôn vẫn không thể quên được. Trước khi thực hiện điều này, anh đã hiểu trước con đường mình đi sẽ vô cùng gian nan, vất vả, nhưng gạt bỏ đi tất cả, người lính cụ Hồ ấy đã không nản lòng.

Hiểu rằng, lúc bấy giờ, khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì nhận thức về Đảng của đồng bào H’Mông hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào Đảng. Hơn nữa, theo điều lệ Đảng, các đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc THCS, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3) trong khi hầu hết người H’Mông ở đây trình độ văn hoá còn thấp, đa phần đều có từ 3-4 con trở lên.

Vẫn quyết tâm thực hiện cho bằng được ước mơ của mình, anh Tôn và Ban Thường vụ Đảng uỷ đã làm tờ trình gửi Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị giảm tiêu chí kết nạp Đảng đối với đồng bào H’Mông và bất ngờ là đề nghị của anh được  Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa chấp thuận.

Thiếu tá Phạm Văn Tôn (bên phải), người dày công xóa bản trắng Đảng viên cho đồng bào H'Mông
Thiếu tá Phạm Văn Tôn (bên phải), người dày công xóa bản "trắng" Đảng viên cho đồng bào H'Mông

Anh bắt đầu bắt tay vào việc lựa chọn những người ưu tú nổi lên từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự. Bên cạnh đó, anh còn lựa chọn những chiến sỹ bộ đội người Mông ở các bản sau khi giải ngũ trở về địa phương để bồi dưỡng để kết nạp Đảng.

Tuy nhiên gian nan, vất vả nhất chính là việc xác minh lý lịch của đối tượng kết nạp đảng, bởi tất cả đồng bào H’Mông ở đây đều có quê gốc ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... Để xác minh được lý lịch, đích thân anh Tôn đã phải trèo đèo, lội suốt đi hàng trăm km về tận các bản của đồng bào H’Mông ở các tỉnh phía Bắc.

“Đồng bào Mông di cư theo gia đình từ bé nên nhiều khi họ cũng không biết chính xác mình ở bản làng nào. Hơn nữa đồng bào H’Mông thường có đến 3-4 tên khác nhau do mỗi lần di cư đến vùng đất mới, họ lại đổi tên hoặc đổi tên lót, nên việc xác minh lý lịch càng gặp nhiều khó khăn” – anh Tôn kể lại.

Có những trường hợp anh đã phải đi 3-4 lần mới có thể xác minh được lý lịch cho họ do nhiều người khai sai về tên, tuổi, địa chỉ. Nhắc đến hành trình đi xác minh lý lịch cho các đối tượng Đảng, anh tâm sự: “Cho đến giờ mình vẫn nhớ trường hợp của ông Sùng A Giáo, phải tới 4 lần đi lại mình mới có thể xác minh lý lịch cho ông ấy vì mỗi lần ông ấy lại khai sai một thứ . Cuối cùng thì lần thứ 4 cũng xong, đến nay ông Giáo đã được kết nạp Đảng và đang là Trưởng bản Xa Lao”.

12 bản với 86 Đảng viên

Suốt 4 năm gian nan đi thực hiện ước mơ cũng là trăn trở của mình, giờ đây, Thiếu tá  Phạm Văn Tôn đã có thể vui mừng nhìn thành quả của mình. 12 bản “trắng” Đảng viên đã không còn thay vào đó là 86 Đảng viên được rải đều ở khắp các bản.

Niềm hạnh phúc vô bờ khi thấy các Đảng viên đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, cam kết không vi phạm pháp luật như không buôn bán và sử dụng ma túy, không gây mất an ninh trật tự, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Từ ngày có Đảng viên, tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn.  

Bộ đội biên phòng đã có công lớn trong việc mang sức sống tới các bản dân tộc thiểu số
Bộ đội biên phòng đã có công lớn trong việc mang sức sống tới các bản dân tộc thiểu số

Các Đảng viên là người H’Mông cũng tuyên truyền vận động đồng bào không di cư tự do. Việc di cư tự do của đồng bào H’Mông giảm mạnh, trong năm 2013 chỉ có 10 hộ di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, đến năm 2014 chỉ còn 4 hộ di cư tự do.

Một thành quả đáng ghi nhận là một số Đảng viên được anh Tôn chọn kết nạp cũng đã được Đảng uỷ xã Trung Lý lựa chọn bổ sung vào nguồn cán bộ lãnh đạo của xã là anh Giàng A Lâu đảm nhận Trưởng Công an xã, anh Sùng A Páo đảm nhận chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã và anh Giàng A Lênh làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trung Lý.

Giờ đây với 86 Đảng viên ở tất cả các bản của xã Trung Lý, các chi bộ tại bản cũng không phải sinh hoạt ghép, đồng bào H’Mông phấn khởi như đón nhận một sức sống mới.


Nguyễn Thùy