"Giải phóng Trị - Thiên Huế là trận quyết chiến thứ 2 dẫn đến giải phóng Sài Gòn"

(Dân trí) - Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại Hội thảo “Thừa Thiên Huế Xuân 1975 – 40 năm xây dựng và phát triển”.

Phá hủy hoàn toàn lá chắn thép của địch ở miền Bắc

Nhân 40 năm ngày giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2015), UBND tỉnh TT-Huế đã tổ chức hội thảo trên vào ngày 25/3. Đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, có sự tham gia của các nhà khoa học ở Trung ương và các tỉnh thành trong chiến dịch liên quan đến Thừa Thiên Huế nhằm xác định tính chất quan trọng của chiến thắng Huế trong chuỗi chiến thắng giải phóng hoàn toàn đất nước 30/4/1975.

“Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nếu gọi chiến dịch Tây Nguyên với điểm đột phá mở màn được thực hiện ở Buôn Ma Thuột là hướng tấn công chính và là trận quyết chiến thứ nhất trên toàn bộ chiến trường miền Nam, thì với tính chất, quy mô và tác động to lớn của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trong đó nhiệm vụ trước hết là giải phóng Trị - Thiên Huế thực sự là trận quyết chiến chiến lược thứ hai, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét.

Cùng với ý kiến trên, TS. Nguyễn Bình, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Trị khẳng định đây là một chiến dịch có ý nghĩa lớn trong tiến trình giải phóng miền Nam. “Chiến dịch Trị - Thiên Huế xuân 1975 nhằm giải phóng một phần đất còn lại phía Nam tỉnh Quảng Trị và giải phóng Thừa Thiên Huế là một chiến dịch thần tốc, một thắng lợi có tính then chốt, quyết định cho bước khởi đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam”.

Hội thảo quan trọng nhằm bàn luận về tầm quan trọng của việc giải phóng Huế tháng 3/1975

Hội thảo quan trọng nhằm bàn luận về tầm quan trọng của việc giải phóng Huế tháng 3/1975

Nếu tính chung cả Trị - Thiên Huế và Đà Nẵng, quân đội Sài Gòn đóng thời điểm đầu năm 1975 gồm 134.000 sĩ quan và binh lính, trong đó riêng Trị - Thiên Huế khoảng 56.000 người (28.500 quân chủ lực bao gồm Sư đoàn bộ binh 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư đoàn dù, 1 liên đoàn biệt động quân, 2 liên đoàn và 21 Đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 10 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo binh với 194 khẩu pháo các loại từ 105mm-175mm, một lữ đoàn kỵ binh thiết giáp với 3 thiết đoàn gồm 260 xe tăng, xe bọc thép…).

Theo kế hoạch thống nhất giữa Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên thì ngày mở màn cho chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế là 0h ngày 8/3/1975. Sau khi tấn công liên tiếp giành thắng lợi vào các căn cứ tại Quảng Trị như khu quân sự Hải Nhi, Hải Kinh, Hải Vĩnh, Hải Lệ, Hải Lâm, chi quân sự Mai Lĩnh, Tây Hải Lăng… tiếp vào ngày 18/3, trên tất cả các mũi đồng loạt tấn công địch. Đến 18h ngày 19/3 giải phóng toàn bộ phần đất, phần dân còn lại ở tỉnh Quảng Trị - tuyến phòng thủ địa đầu phía Bắc của địch.

Ngày 22/3, Tiểu đoàn 3 bộ binh có pháo binh, xe tăng tăng cường đánh thẳng vào Thanh Hương, truy kích về Đại Lộc, sau đó phát triển vào cửa biển Thuận An, khống chế đường rút quân của địch bằng đường biển tại Huế. Cùng thời gian, Tiểu đoàn 14 vượt sông Ô Lâu đánh vào Phong Hòa, Phong Bình (huyện Phong Điền của Huế), truy kích địch xuống Sịa (huyện Quảng Điền), chốt giữ ngã ba Sình rồi tiến thẳng vào Bao Vinh (TP Huế).

5h ngày 25/3 đánh chiếm thành công vào đồn Mang Cá (Nội thành Huế), Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn I, Trại Trần Cao Vân, nhà lao Thừa Phủ…. Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương được tự vệ quân dẫn đường tiến vào nội đô TP Huế. Đúng 10h30’ ngày 25/3 đã cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu – Huế. Ngày 26/3, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng.

Quân giải phóng tiến vào Đại Nội - Huế ngày 25/3

Quân giải phóng tiến vào Đại Nội - Huế ngày 25/3

Tính từ 8-26/3/1975, lực lượng vũ trang của quân khu Trị - Thiên Huế đã đánh 30 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức tác chiến: phục kích, tập kích, hỏa lực, xung lực, vây ép, vận động, tấn công… đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.576 tên địch (trong đó bắt sống và phóng thích 3.126 tên), phá hủy nhiều khu quân sự, tiếp quản tịch thu nhiều khí tài quân sự địch. Tuyến phòng thủ, lá chắn thép mạnh nhất của địch ở phía Bắc đã bị phá hủy hoàn toàn.

Số quân địch không kịp rút vào Đà Nẵng bị bắt và ra trình diện đến 58.722 người trong đó có 1 đại tá, 18 trung tá, 81 thiếu tá, 3.681 sĩ quan cấp úy. Khoảng 14.000 viên chức và nhân viên dân sự cũng đã ra trình diện. Khoảng 140 xe tăng, xe bọc thép, hơn 800 xe quân sự khác và khoảng 1 vạn tấn đạn của địch đã rơi vào tay quân giải phóng.

Mở toang cánh cửa để giải phóng Đà Nẵng, tiến tới giải phóng Sài Gòn

Theo Th.s. Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, sau chiến thắng Trị - Thiên Huế, con đường huyết mạch giữa Huế - Đà Nẵng bị cắt đứt, hàng nghìn xe quân sự và dân sự các loại đang trên đường từ Huế vào Đà Nẵng bị chặn lại, tạo nên một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.

Cũng trong ngày 26/3, Nguyễn Văn Thiệu đã ra công điện kêu gọi Tư lệnh chiến trường quân đội miền nam buộc lòng phải về tử thủ Đà Nẵng và Quảng Nam. Bình luận về sự kiện trên, hãng AFP ngày hôm sau đã dẫn lời của viên tướng Mỹ là Robert Thomson (cựu cố vấn về chiến tranh Việt Nam của Nhà Trắng) rằng “Tôi tin chắc rằng, toàn bộ Nam Việt Nam sẽ sụp đổ và sự rút lui của Mỹ ở Đông Dương là sự rút lui lớn nhất mà thế giới được chứng kiến, kể từ khi Napoléon rút khỏi Matxcơva”.

Quân giải phóng tiến vào Đại Nội - Huế ngày 25/3

Cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên Cột Cờ, Đại Nội - Huế sau ngày giải phóng

Đến ngày 28/3, Đà Nẵng thực sự rơi vào cảnh hỗn loạn. 4.000 lính tân binh đóng tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, cửa ngõ phía Nam của Đà Nẵng được quân cách mạng chỉ đạo từ bên trong, nổi dậy làm binh biến, cuống cuồng bỏ chạy, bắn lại chỉ huy. Các cơ quan C.I.A lén lút di chuyển người rời khỏi thành phố, dân chúng (đặc biệt là vợ con của lính và công chức chính quyền Sài Gòn) chen chúc nhau tìm đường “tùy nghi di tản”. Khoảng 36.000 người được di tản bằng đường biển và 1.000 người di chuyển theo đường hàng không.

Quá trưa 28/3, Sư đoàn 3 nam Việt Nam đóng phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng đã không còn nữa. Sáng 29/3, các cánh quân giải phóng từ Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc ra, từ đèo Hải Vân tràn xuống đã hoàn toàn chiếm lĩnh thành phố. Đúng 11 giờ ngày hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trên nóc tòa Thị chính Đà Nẵng. Toàn bộ thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

Hội thảo đã trích dẫn lại lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẫn “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ sụp đổ không còn lâu nữa”.

“Cần nhận thấy rằng, khi quân dân ta chiếm được Huế thì cũng đồng thời mở toang cánh cửa phía Bắc để giải phóng Đà Nẵng – một căn cứ hải – lục – không quân khổng lồ của Mỹ, Ngụy ở miền Nam. Huế được giải phóng là tiền đề quan trọng để quân dân ta tiến công tiêu diệt thành phố Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng nổi tiếng của mùa xuân năm 1975. Và khi ta đã giải phóng được Đà Nẵng thì hiệu ứng đôminô bắt đầu: việc giải phóng Sài Gòn chỉ còn là thời gian” – Th.s. Lưu Anh Rô nhìn nhận về tầm quan trọng của việc giải phóng toàn bộ Huế.

Xác xe tăng quân địch bị quân giải phóng thiêu cháy tại bãi biển Thuận An tháng 3/1975

Xác xe tăng quân địch bị quân giải phóng thiêu cháy tại bãi biển Thuận An tháng 3/1975

Th.s. Lưu Anh Rô cuối cùng nhấn mạnh về tính chiến lược của chiến dịch Huế - Đà Nẵng xuân 1975 đã tạo ra sự hoàn chỉnh về kỹ thuật, hậu cần cho việc giải phóng toàn bộ đất nước: “Những tỉnh mới được giải phóng trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng cùng một vùng mới giải phóng ở các tỉnh Tây Nguyên trước đó đã tạo nên vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh, có lợi cho việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, thuận tiện cho việc cơ động bằng đường bộ, đường biển, đường không nối liền với miền Bắc – hậu phương lớn của cả nước, đáp ứng kịp thời việc tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất vào cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn trong một thời gian ngắn nhất”.

“Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thì Thừa Thiên Huế có 15.954 liệt sĩ, 9.194 thương binh, hàng ngàn đồng bào bị địch giết hại, hàng ngàn người bị tàn tật, bị nhiễm chất độc hóa học do kẻ thù gây nên, hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước bị bắt và cầm tù… chưa kể hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Bởi vậy, góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho quê hương đất nước là một trong những giá trị vô cùng to lớn mà Cuộc tiến công nổi dậy Xuân 1975 đã trực tiếp mang lại” -  Th.s. Lưu Thị Thanh Bình, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế.






Đại Dương