Đối thoại Shangri La 12 - định hướng an ninh khu vực

Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Đối thoại Shangri La, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu chính tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri La lần thứ 12 diễn ra tại Singapore từ 31/5 đến 1/6.

Đối thoại Shangri La được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Singapore theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) và đã trở thành diễn đàn thường niên. Đối thoại đã trở thành sự kiện hàng năm có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.

 

Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin... Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước.

 

Đối thoại Shangri La gồm 27 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp...

 

Đối thoại Shangri La 12 sẽ tập trung vào một số chủ đề như tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; Bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; Hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; Vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

Ngoài ra, phiên họp đặc biệt sẽ thảo luận một số vấn đề mang tính chuyên môn như phòng ngừa xung đột trên biển; các công nghệ và học thuyết quân sự mới; Ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; Quy mô mạng thông tin và an ninh châu Á...

 

Ngay từ khi Đối thoại Shangri La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, Việt Nam đã cử đoàn cấp vụ, viện, học giả tham dự, sau đó dần nâng cấp tham dự lên lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri La từ năm 2009.

 

Tại các đối thoại này, Việt Nam đã tích cực tham gia với các chủ đề: “Hình thức hợp tác an ninh: Xây dựng lòng tin, quan hệ đối tác, liên minh”; “Thúc đẩy ngoại giao quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực”; “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới.”

 

Các phát biểu của đoàn Việt Nam đều được các nước quan tâm và đánh giá cao.

 

Những năm qua, Việt Nam và Singapore luôn duy trì quan hệ tốt đẹp và tin cậy. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp.

 

Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Singapore, hai bên đã nhất trí về nguyên tắc đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm “Đối tác chiến lược.”

 

Dự kiến trong năm nay, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ ký văn kiện chính thức nâng cấp quan hệ nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long. Năm 2013 này, Việt Nam và Singapore cũng kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013), đánh dấu một chặng đường phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước.

 

Hợp tác giữa hai nước về thương mại-đầu tư, quốc phòng-an ninh và các hợp tác trong những lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch trong thời gian qua đều phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai nước.

 

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước từ chỗ đạt 6,2 tỷ USD năm 2010 đã tăng lên 9 tỷ USD trong năm ngoái.

 

Hiện nay, Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với gần 1.100 dự án và tổng số vốn đăng ký đạt 24 tỷ USD.

 

Các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đang hoạt động hiệu quả ở các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng...

 

Hàng năm, Chính phủ Singapore thông qua Bộ Ngoại giao nước này duy trì cấp học bổng cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai của Việt Nam đang học tập tại Singapore.

 

Tại quốc đảo này hiện có 9.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu. Trong 20 năm qua đã có 13.000 lượt cán bộ Việt Nam sang Singapore nghiên cứu và học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ...

 

Cùng với những thành công trong công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại, Việt Nam ngày càng chứng tỏ vị thế và uy tín trong khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN và khu vực Đông Á.

 

Việc Ban Tổ chức Đối thoại Shangri La 12 mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu khai mạc chứng tỏ sự coi trọng và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam.

 

Đây cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại lần này nhằm thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời đóng góp tiếng nói của Việt Nam trên những vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông.

 

Theo Đỗ Quyên

TTXVN