Chủ tịch nước: Cần cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng

(Dân trí) - “Cần có cơ chế bảo vệ người phát hiện và tích cực chống tham nhũng. Thu hồi cho được tài sản mà đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt. Phải tập trung chống tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn và cho người dân hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Quán triệt thượng tôn pháp luật, không để xảy ra oan và sai”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chiều 9/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các ứng viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1 (quận 1, 3, 4) tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, TPHCM.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp nhận những ý kiến đóng góp của bà con cử tri
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp nhận những ý kiến đóng góp của bà con cử tri

Mong đừng “nhận thư và chuyển thư”

Sau khi nghe các ứng viên trình bày về chương trình hành động của mình, cử tri quận 1 đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện.

Ông Lê Văn Hiếu (cử tri phường Nguyễn Thái Bình) thẳng thắn nhìn nhận, Quốc hội các khóa trước làm rất tốt vai trò lập pháp nhưng dường như “bỏ quên” vai trò giám sát. Ông Hiếu mong Quốc hội khóa XIV cần nâng cao vai trò giám sát chứ không để “nhàn nhạt” như đã từng xảy ra. Không để tình trạng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH như “giao liên” khi nhận thư rồi chuyển đi mà không giải quyết cũng như giám sát việc giải quyết các kiến nghị, bức xúc của dân.

Ông Hiếu cho rằng, chỉ khi nào ĐBQH giám sát tới cùng các vấn đề thì khi đó dân mới tin. Cử tri này cũng đề nghị, ngoài những buổi tiếp xúc thì đại biểu dân cử cần đi xuống với dân. “Phải xuống tận nơi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Đại biểu của dân mà chỉ ngồi hội trường, máy lạnh thì không nắm hết thông tin đâu”, ông Hiếu nói.


Cử tri quận 1 rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, chủ quyền biển đảo.

Cử tri quận 1 rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, chủ quyền biển đảo.

Cử tri Trần Quân Ngọc cho rằng, tiểu sử các ứng viên ĐBQH rất đẹp. Ông hoàn toàn tin tưởng đặt lá phiếu vào bất cứ ứng viên nào. Tuy nhiên, ông thấy buồn vì trong chương trình hành động, không có ứng viên nào cam kết chống tham nhũng.

“Nếu ứng viên nào cũng cam kết không tham nhũng thì ít nhất có vài trăm ĐBQH là những tấm gương không tham nhũng. Hãy học tập Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng để không tham nhũng và phụng sự Tổ quốc. Chúng tôi gần đất xa trời rồi nên thấy những chức vụ, tiền bạc chỉ là phù du. Tiếng thơm mới vang đời mai sau”, ông Ngọc nói.

Cử tri này cũng mong tăng tỉ lệ người ngoài Đảng, người làm kinh tế giỏi vào Quốc hội.

Ứng cử viên Trần Đông A nói về chương trình hành động của mình
Ứng cử viên Trần Đông A nói về chương trình hành động của mình

Các cử tri đề nghị ĐBQH có tiếng nói và hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, quan tâm sâu sát hơn nữa đến đồng bào nghèo, vùng sâu vùng xa… Ngoài đề nghị Quốc hội làm Luật kê khai tài sản công chức từ Trung ương đến địa phương, cử tri còn “đặt cược” Quốc hội kỳ tới cần ra Nghị quyết để bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Cử tri theo dõi về lý lịch và chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH
Cử tri theo dõi về lý lịch và chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH

Lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân là trên hết

Thay mặt tổ ĐBQH, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp nhận những ý kiến đóng góp của bà con cử tri.

Chủ tịch nước cho biết, dù được bầu hay không được bầu vào Quốc hội khóa XIV thì các ứng viên cũng sẽ thường xuyên gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phối hợp, đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

“Chúng tôi luôn luôn xác định lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân là trên hết. Phụng sự Tổ quốc và Nhân dân là phương châm của ứng cử viên”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cử tri góp ý tại hội nghị
Cử tri góp ý tại hội nghị

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Quốc hội nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục xây dựng pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, xây dựng thông tư hướng dẫn để pháp luật sớm đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch và tạo môi trường thông thoáng phục vụ phát triển.

Một điểm mà Chủ tịch nước nhấn mạnh chính là tập trung đấu tranh các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế và tham nhũng. Phải gắn chống tham nhũng đi liền chống lãng phí. Khâu yếu hiện nay là phát hiện tham nhũng. Do đó, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng cả hệ thống chính trị, toàn dân phải cùng đồng lòng vào cuộc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng các ứng viên và cử tri sau đại hội
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng các ứng viên và cử tri sau đại hội

“Cần có cơ chế bảo vệ người phát hiện và tích cực chống tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng đã chiếm đoạt. Phải tập trung chống tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn và cho người dân hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Quán triệt thượng tôn pháp luật, không để xảy ra oan và sai”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng nhận định, nhiều thách thức đang đe dọa chủ quyền, trước hết là biển Đông. Độc lập, chủ quyền là thiêng liêng nhất nên phải bảo vệ. Để làm được điều đó, phải sử dụng các biện pháp đấu tranh, trong đó phát triển các lực lượng để đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) bắt tay hỏi thăm cử tri

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) bắt tay hỏi thăm cử tri

Chủ tịch nước cho rằng, TPHCM có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đang từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực. Phải tập trung phát triển TPHCM văn minh, hiện địa, nghĩa tình. Muốn làm được điều đó thì phải chung sức, đồng lòng.

“Cần kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá riêng cho TPHCM. Cơ chế phải đột phá, không cào bằng. Có thế TPHCM mới phát triển nhanh, bền vững”, Chủ tịch nước nói.

Bài: Công Quang
Ảnh: Nguyễn Quang