13.000 nhiệm vụ Thủ tướng giao, 3% bị chậm thực hiện

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổ công tác của Thủ tướng, 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, hơn 7.000 nhiệm vụ đã hoàn thành, gần 6.100 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng 5.856 nhiệm vụ vẫn còn hạn thực hiện, có 237 nhiệm vụ đã quá hạn, chiếm 3,2%.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo về tình hình các bộ ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra của Tổ trong tháng 7 với nhiều kiến nghị đi kèm.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác, tính từ đầu năm tới ngày 31/7, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ. Còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 5.856 nhiệm vụ trong hạn và chỉ có 237 nhiệm vụ quá hạn - chiếm 3,2%.

Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện cuộc kiểm tra chuyên đề với 13 Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, dưới 20%.
Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện cuộc kiểm tra chuyên đề với 13 Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, dưới 20%.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 7/2017, Tổ công tác đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và giải quyết các nút thắt về tăng trưởng tại Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017.

Trước đó, Thủ tướng đã phê bình 13 Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Sau cuộc kiểm tra của Tổ công tác khi đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 của một số bộ, cơ quan, địa phương, theo thống kê, đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân cao hơn nhiều so với thời điểm yêu cầu kiểm tra (dưới 20%).

Cụ thể: Ủy ban Dân tộc đạt 61%, Hà Nội: 33,4%, Bình Phước: 28,1%, Tp.HCM: 26%, Đà Nẵng: 24,7%, Tây Ninh: 22,9%...

Kết quả kiểm tra tại Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 477 nhiệm vụ được giao từ đầu năm, cơ quan này đã hoàn thành 397 nhiệm vụ, còn 75 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 0,9%).

Kết quả kiểm tra tại Petro Vietnam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, trong bối cảnh có nhiều biến động không thuận lợi về giá dầu, song hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 2 - 19% so với kế hoạch đề ra.

Tập đoàn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phấn đấu đạt mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt trên 13,28 triệu tấn, vượt 1 triệu tấn so với kế hoạch đã giao từ đầu năm.

Tính tới ngày 10/7, trong tổng số 189 nhiệm vụ được giao, Petro Vietnam đã hoàn thành 140 nhiệm vụ, còn 46 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn; 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các bộ, cơ quan, địa phương, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra trong tháng 7 và các bộ, cơ quan, liên quan triển khai ngay một số nhiệm vụ. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ mang tính chất tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị.

Tổ công tác kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép Petro Vietnam được sử dụng quỹ tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng năm 2017 ở các dự án của PVEP nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của tập đoàn.

Bộ Tài chính nhận đề xuất sớm tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho cơ chế đặc thù về việc cấp bảo lãnh các khoản vay vốn nước ngoài của dự án đầu tư tổ hợp hóa dầu miền Nam tương ứng với tỷ lệ vốn góp của Petro Vietnam trong Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.

Đồng thời đơn giản hóa thủ tục kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư; tiếp tục rà soát các quy định tại thông tư hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm thuận lợi trong việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá, dự báo về phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm để định hướng việc cho vay của các tổ chức tín dụng; sớm hoàn thiện quy định về thẩm quyền, tŕnh tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để ngân hàng thương mại có thể mở rộng đối tượng khách hàng vay vốn; sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc thế chấp vay vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Phản hồi về những hoạt động và kiến nghị của Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc kiểm tra, đôn đốc là hết sức quan trọng trong triển khai các chủ trương, không kiểm tra thì khó thành công.

Thủ tướng giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra quyết liệt, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP như giải ngân, kể cả giải ngân ODA, tăng trưởng tín dụng, bán vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, các nhiệm vụ liên quan tới mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0…

Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

P.Thảo