VPF và bài toán 50 tỷ từ bản quyền truyền hình

(Dân trí) - 50 tỷ là số tiền thu từ việc bán bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp cho Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm...

Con số này hiện tại vẫn chưa thu đủ và đang đứng trước nhiều thách thức ở mùa giải 2013. Khoản thu lớn nhất của VPF để trang trải mọi hoạt động của mình ở mỗi mùa giải, chủ yếu đến từ bản quyền truyền hình, bên cạnh nguồn tài trợ chính của Eximbank với mức 30 tỷ mỗi năm. Theo tham vọng của bầu Kiên (trước khi bị bắt), VPF sẽ thu từ Hội đồng bảo trợ là 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ, năm đầu tiên là 5 tỷ đồng, năm 2013 là 7,5 tỷ đồng/thành viên và năm 2014 là 10 tỷ đồng/thành viên.
 
 
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (trái) và bài toán bản quyền truyền hình - Ảnh: Gia Hưng

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng (trái) và bài toán bản quyền truyền hình - Ảnh: Gia Hưng

 

Theo tiết lộ của VPF, 10 thành viên của Hội đồng bảo trợ trong năm 2012 là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) và ngân hàng Bản Việt.

 

Theo ông Phó TGĐ Phạm Phú Hòa, việc chuyển tiền chỉ là thời gian và thủ tục, bởi các thành viên đều đã được đáp ứng đầy đủ thời lượng phát sóng quảng cáo và các quyền lợi khác. Việc thu toàn bộ 50 tỷ từ Hội đồng bảo trợ nếu nói như ông Hòa, dường như sẽ hoàn tất trong năm nay. Tuy nhiên, bài toán sẽ thực sự nan giải vào năm tới, năm mà nền kinh tế thế giới tiếp tục không có dấu hiệu phục hồi.

 

Bản thân VPF đã lường trước khó khăn, nên trong một cuộc họp mới đây, các thành viên HĐQT đã thống nhất hạ mức thu theo dự kiến là 75 tỷ xuống còn 50 tỷ như cũ. Với số tiền 5 tỷ/thành viên, ông Hòa cho rằng đó không phải là những số tiền quá lớn với các doanh nghiệp có mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm, nên VPF không phải lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, trong nền kinh tế có nhiều biến động, bóng đá Việt Nam cũng dang phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

 

Vừa qua, BCH VFF đã phải lên phương án tổ chức giải không có đủ số đội tham dự. Cụ thể ở V.League chỉ còn 12 đội, trong khi ở hạng Nhất là 8 đội. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên Hội đồng bảo trợ. Đơn giản, với số đội ít như vậy, đồng nghĩa với việc các trận đấu được truyền hình trực tiếp sẽ ít đi, dẫn đến thời lượng quảng cáo không còn nhiều như mùa giải 2012.

 

Chưa biết Hội đồng bảo trợ và VPF sẽ đàm phán lại vấn đề này như thế nào nhưng việc VPF tuyên bố vẫn thu đu đủ 50 tỷ thì có quá lạc quan? Bản thân ông Hòa cũng cho rằng, việc một vài doanh nghiệp rút khỏi Hội đồng bảo trợ là chuyện mà VPF sẽ phải lường trước, nên sắp tới, sẽ rà soát lại toàn bộ để có kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải 2013 thật chu đáo.

 

Chuyện một vài thành viên bỏ cuộc là gần như xảy ra bởi ngoài việc nền kinh tế suy thoái, quyền lợi bị cắt giảm, thì một trong những nguyên nhân chính là do bầu Kiên bị bắt.  Nhiều người cho rằng, Hội đồng bảo trợ chủ yếu đều có mối quan hệ với bầu Kiên, nên khi ông bầu này bị bắt chưa biết bao giờ mới được thả, thì chuyện các doanh nghiệp rút lui cũng dễ hiểu.

 

Đó là chưa kể sau những gì đã xảy ra với bóng đá Việt Nam thời gian vừa qua, từ CLB đến ĐTQG, thì những doanh nghiệp dù yêu bóng đá Việt Nam đến mấy, cũng cảm thấy thất vọng, xem xét lại sự đầu tư của mình cho bóng đá nước nhà. Chẳng doanh nghiệp nào muốn thương hiệu của mình gắn với các trận đấu kém hấp dẫn, thường xuyên xảy ra bạo lực sân cỏ, công tác trọng tài có nhiều vấn đề...

 

Trong bối cảnh như vậy, việc VPF vẫn tuyên bố thu đủ 50 tỷ trong mùa giải 2013 quả là một thách thức lớn. Mà ngay cả thời điểm này, tức là chỉ còn ít ngày nữa là năm 2012 kết thúc, VPF cũng đã thu đủ số tiền đó từ Hội đồng bảo trợ đâu?

 

Hiểu Minh