Xóa đi nỗi ám ảnh “quân xanh – quân đỏ” trong thi tuyển lãnh đạo?

(Dân trí) - Không loại trừ nỗi e ngại, chưa tin tưởng ở khâu thi tuyển mà đặc biệt là sự lo ngại trở thành “quân xanh”, bước đệm cho “quân đỏ”...

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Cuộc thi tuyển chọn người giữ chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp ngày 16/3 của Bộ Tư pháp diễn ra trong niềm vui chưa trọn vẹn.

Nói niềm vui chưa trọn vẹn bởi trong cái vui có cả cái chưa vui.

Vui là bởi đây là cuộc thi tuyển công khai đầu tiên của Bộ này và người trúng cử là người trẻ hơn, không thuộc diện “người nhà” và cũng không nằm trong quy hoạch cán bộ. Đó là ông Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1973), Phó trưởng ban Thư ký Văn phòng Bộ Tư pháp. Ông Thu đã chiến thắng “đối thủ” của mình là ông Nguyễn Văn Điệp (sinh năm 1959), Trưởng khoa đào tạo luật sư của Học viện, người đã được quy hoạch từ những năm trước.

Điều này chứng tỏ, cuộc thi tuyển của Bộ Tư pháp diễn ra minh bạch, nghiêm túc và không chịu bất cứ sự tác động nào.

Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn bởi cuộc thi chỉ có “vẻn vẹn” hai ứng viên và tuy không phải là toàn “người nhà” của Học viện nhưng cũng vẫn là “người trong nhà” của Bộ Tư pháp. Trong khi lãnh đạo bộ muốn mở rộng đối tượng ứng cử viên sang các cơ quan khác như lời của Bộ trường Hà Hùng Cường trên Vietnam Net ngày 17/3, bài “Bộ trưởng Tư pháp tiếc vì chỉ 2 ứng viên thi Phó giám đốc”: "Chúng tôi đã mời cả các luật sư đang làm việc ở các công ty, văn phòng luật, cán bộ pháp chế các bộ và doanh nghiệp nhà nước... Rất tiếc cuối cùng chỉ có 2 người, mà quanh đi quẩn lại vẫn là trong Bộ Tư pháp".

Về nguyên nhân, cũng trong bài báo trên, Bộ trưởng Cường cho rằng việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài từ các nguồn khác như ngoài Bộ, ngoài ngành, thậm chí ngoài cơ quan nhà nước là rất khó, thậm chí không quy hoạch được. Chưa kể có nơi, có lúc, quá trình quy hoạch còn mang tính khép kín, chỉ trong đơn vị mình mà không mở rộng ra các đơn vị khác.

"Phải chăng các vị trí đó không hấp dẫn? Phải chăng chúng tôi chưa quảng bá? Tôi lùi sang năm 2014 mới thực hiện cũng là gia hạn để có thêm người đăng ký, nhưng cuối cùng vẫn chỉ có 2 người". Ông Cường nói.

Những nguyên nhân Bộ trường Cường đã nêu là đúng, song có lẽ chưa đủ. Ví như bản tính ngại va chạm, an phận, e dè vì sợ đánh giá là… thiếu khiêm tốn của không ít cán bộ thời nay. Song không loại trừ nỗi e ngại, chưa tin tưởng ở khâu thi tuyển mà đặc biệt là sự lo ngại trở thành “quân xanh”, bước đệm cho “quân đỏ”.

Điều này có nguyên nhân sâu xa từ nhiều mặt của xã hội tác động như trong các phiên đấu thầu và thậm chí, cả trong việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Trước dư luận “quân xanh – quân đỏ” nên cách đây 3 năm, ngày 6/5/2011, tại phiên họp của Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch hội đồng bầu cử) đã khẳng định: “Không có “quân xanh”, “quân đỏtrong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”. Theo báo Quân đội Nhân dân bài “Không có “quân xanh”, “quân đỏ” trong bầu cử”.
 
Có thể nói, nỗi ám ảnh “quân xanh - quân đỏ” hoàn toàn có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho không ít người e ngại, không muốn dự thi.
 
Vì vậy, việc một người ngoài cơ quan Học viện, không nằm trong qui hoạch chiến thắng trong cuộc thi tuyển vừa qua ở Bộ Tư pháp đã góp phần không nhỏ để xóa đi nỗi ám ảnh trên.
 
Hi vọng các cuộc thi tuyển mà gần đây nhất là cuộc thi tuyển Tổng Cục trưởng Cục Đường bộ sẽ có nhiều ứng viên hơn và công khai, minh bạch và nhất là không bị chi phối bởi những nguyên nhân ngoài tiêu chí cuộc thi.
 

Xin hãy xóa đi nỗi ám ảnh “quân xanh – quân đỏ”!

 

Bùi Hoàng Tám  

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!