Xin đừng để "họp" biến thành "hành"....

(Dân trí) - Họp hành, hội nghị, hội thảo quá nhiều với cán bộ, công chức nhà nước vốn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Tới đây, Chính phủ có thể sẽ có quyết sách mới để chấn chỉnh. Hi vọng rằng chính sách mới sẽ giải quyết được tận gốc chuyện này.

Xin đừng để "họp" biến thành "hành".... - 1

Ngày nay, ai cũng thấy là cán bộ, công chức nhà nước họp hành, hội thảo quá nhiều mà thực tế, ra được quyết sách đúng, thực thi hiệu quả thì chưa nhiều. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hàng năm, số văn bản quy phạm pháp luật sai về thẩm quyền, trình tự, trái quy định chung của các bộ, ngành, địa phương không ít. Điều đó phần nào cho thấy hiệu quả của việc họp hành hiện nay.

Mỗi khi có việc với cán bộ, công chức, người ta hay nghe câu: Bận lắm, họp hành liên miên. Đó là một thực tế. Thôi thì đủ thứ nội dung họp: Họp sơ kết, họp tổng kết, họp chuyên đề, họp dự án, họp tham gia ý kiến, họp thẩm định, họp tư vấn, họp liên ngành, họp công bố kiểm tra, thanh tra, họp các loại ban chỉ đạo, các loại tổ công tác...

Ai có thời gian xem lịch công tác tuần mà một số bộ, ngành hiện nay đăng trên cổng thông tin, website của bộ, ngành đó thì cũng thấy, lịch họp của họ kín đặc. Chẳng trách, không ít cán bộ, công chức ngày nay tự gọi công việc của mình là.... nghề "đi họp".

Tất nhiên là nghề làm quan, làm công chức thì không thể tránh khỏi phải họp. Có nhiều vấn đề phải họp, phải bàn mới ra vấn đề, ra chính sách, quyết sách, có sự thống nhất, giải quyết các vấn đề vướng mắc, ách tắc để công việc thông suốt, trôi chảy hơn.

Nhưng nhìn vào số lượng các cuộc họp như ở ta, có thể nói chẳng khác gì... lạm phát. Họp nhiều đến mức chẳng có thời gian đi xuống thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không có thời gian tiếp dân mà việc cũng chẳng đi đến đâu.

Cứ tưởng rằng, ngày nay, hệ thống công nghệ thông tin trong bộ máy công quyền được đầu tư tốn kém nhiều tỷ đồng thì cũng giúp giảm bớt họp hành bằng việc họp trực tuyến, trao đổi qua thư điện tử, thông tin trao đổi trên website, mạng nội bộ...

Nhưng không, hình như số lượng các cuộc họp ngày càng tăng, "năm sau cao hơn năm trước".

Tình trạng "lạm phát" họp như vậy tất nhiên cũng có nhiều nguyên nhân: Do công tác điều phối kém, do trùng lắp nội dung, do việc chuẩn bị họp không tốt nên phải họp đi, họp lại...

Không phải Nhà nước không có cơ chế, quy định về họp, hành. Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành một quyết định (Quyết định số 114/QĐ-TTg) về chế độ họp trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng có lẽ, do các quy định trong quyết định trên ban hành đã lâu.

Có những điều khoản đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hay chưa có những quy định cần thiết, bắt buộc cho phù hợp với tình hình mới như về họp trực tuyến, họp truyền hình... nên nhiều nơi vẫn cứ họp theo kiểu truyền thống, tốn kém thời gian và ngân sách.

Do đó, trong một văn bản gửi tới các bộ, ngành, địa phương cách đây hơn 1 tuần, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các cấp chính quyền địa phương cho ý kiến về dự thảo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ để thay thế quyết định cũ.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm chấn chỉnh nạn họp hành, hội thảo quá nhiều bằng các quy định hành chính thôi, có khi cũng chưa đủ nếu không có có sự tự giác, chủ động từ lãnh đạo các cơ quan trong việc giảm số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp và áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt họp hành, đi lại, giảm tốn phí cho ngân sách nhà nước.

Hi vọng với biện pháp mới đây của Chính phủ, sẽ giảm tối đa các cuộc họp không thật sự cần thiết. Xin đừng để "họp" biến thành "hành"....

Mạnh Quân