Từ chuyện BOT đến chấm dứt những cái “nhầm”… chết tiền!

(Dân trí) - Ít nhất 12 dự án BOT đã ký hợp đồng nhưng phải dừng lại, nhiều trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” đang được xử lý, 67 cuộc kiểm toán được thực hiện tại 60 dự án BOT, BT giao thông…

Từ chuyện BOT đến chấm dứt những cái “nhầm”… chết tiền! - 1

Những nội dung được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Quốc hội về lĩnh vực BOT giao thông thực sự khiến người dân sử dụng dịch vụ này không tránh khỏi thất vọng.

BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) theo như khẳng định của Bộ GTVT, là “cần thiết, đúng đắn”, thực tế triển khai đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ này đồng thời cũng thừa nhận những mặt trái của loại hình này.

“Hạn chế, vướng mắc, bất cập” là những tính từ mà lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra để nói về loạt vấn đề yếu kém trong quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông thời gian qua. Nói khái quát thì có vẻ nhẹ nhàng và đơn giản vậy, nhưng nhìn lại biết bao vụ việc gây bức xúc đối với người dân tại các trạm BOT, có thể thấy hệ luỵ không hề nhỏ, cả về vấn đề an ninh trật tự, quyền lợi của người dân và quyền lợi của Nhà nước.

Trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này.

Vị đại biểu lập tức đặt câu hỏi: “Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không?”. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, ấm ức của người dân muốn đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi mà vấn đề từ 4 tháng trước nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Từ những con số nói trên, thấy rằng nguy cơ gây thiệt hại cho người dân là rất lớn và hơn thế, niềm tin vào một chính sách tưởng chừng “ưu việt” đã suy giảm.

Sự thất tín của BOT xem ra khó mà hồi phục nguyên vẹn như ban đầu, kéo theo đó là sự đình trệ của nhiều dự án lớn và ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của không ít địa phương. Tính ra bằng tiền, e khó mà tính được.

Đại biểu Phương khi đó cũng đã chất vấn Bộ trưởng về việc có lợi ích nhóm tại các dự án BOT hay không khi mà có ý kiến từ Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cho rằng Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông.

Còn nhớ vào hồi năm ngoái, khi xảy ra việc trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT thì Bộ trưởng Thể đã quả quyết với PV Dân Trí: “Nói trạm BOT đặt nhầm chỗ là không chính xác, có thể dùng từ là đến thời điểm này vị trí đặt trạm là chưa hợp lí”.

Thôi thì không tranh cãi “nhầm chỗ” hay là “chưa hợp lí”, nhưng trong báo cáo mới đây của Bộ GTVT đã nêu rõ, Bộ này đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư điều chỉnh vị trí một số trạm thu phí có bất cập; miễn, giảm phí; chỉ đạo các nhà đầu tư công khai thông tin dự án tại trạm thu phí (tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, thời điểm thu phí...).

Bộ GTVT cũng “chủ động” mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ các dự án (đã kiểm toán 67 cuộc tại 60 dự án BOT, BT giao thông), thực hiện nghiêm kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra với các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là về xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm và quyết toán chi phí đầu tư…

Tóm lại, Bộ GTVT đã trình bày những “hướng ra” nhất định cho các dự án BOT mà trong đó chủ yếu vẫn là khắc phục, sửa sai.

Chỉ có điều, người viết trộm nghĩ, BOT đặt “nhầm chỗ” rồi “nhầm” cả số năm thu phí, chẳng ai làm sao, chỉ có người dân là phải trả tiền “nhầm” thôi! Thế nhưng hình như vẫn còn rất nhiều chuyện cũng nhầm như bổ nhiệm, sử dụng nhầm cán bộ; ban hành nhầm chính sách; văn bản nhầm vì lỗi đánh máy… Nhiều cái nhầm như thế, ai chịu trách nhiệm với dân đây?

Bích Diệp