Tiền của dân, tin cậy của dân, hãy làm cho xứng đáng!

(Dân trí) - Đại biểu cho dân mà không biết “lắng nghe” dân thì “lắng nghe” ai? Lắng nghe mà không phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân thì lắng nghe để làm gì? Làm người bình thường cũng phải giữ lời hứa bởi “lời nói đọi máu”, “một sự thất tín, vạn sự bất tin” huống chi là đại biểu của dân, của nước…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chỉ ít ngày nữa, nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Một đòi hỏi không mới, nhưng không và mãi mãi không cũ, đó là trách nhiệm của đại biểu với cử tri, những người đã bỏ phiếu tín nhiệm, bầu cho mình.

Công bằng mà nói, trong các nhiệm kỳ qua, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, nhiều đại biểu đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần trách nhiệm với dân, với nước. Họ không chỉ tận tâm, tận lực mà còn dũng cảm nói lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, góp sức cùng dân đấu tranh cho công bằng, cho chân lý.

Song, cũng không ít đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm của mình với cử tri. Vẫn có hiện tượng vắng mặt trong các kỳ họp hoặc có mặt nhưng cũng… như không bởi nhiều nhiệm kỳ không một lần phát biểu.

Không phải đại biểu nào cũng biết lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng cử tri để đi tìm chân lý.

Xin đơn cử những vụ việc mà báo Dân trí đồng hành cùng người dân và thành công trong mấy năm gần đây như vụ 194 phố Huế. vụ bà cụ ở Lâm Đồng bị “áp thuế” 5,7 tỉ đồng , vụ 146 Quán Thánh… đều bắt đầu từ những nguyện vọng chính đáng của dân. Thế nhưng tiếc thay, suốt trong quá trình đó đã không có được sự quan tâm, đồng hành của các đại biểu các cấp!?

Rồi không phải đại biểu nào cũng thực hiện đầy đủ lời của mình đã hứa trước khi bầu cử.

Vẫn còn những đại biểu “ngủ gật” trong nghị trường khiến cử tri bức xúc.

Vẫn còn có cả những đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật bị bãi miễn, bỏ tù…

Thậm chí, có cả đại biểu phiếu bầu “chưa ráo mực” đã phải đứng trước nguy cơ như lời của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Ông Trịnh Xuân Thanh không xứng đáng đại biểu Quốc hội”

Tại kỳ họp thứ I - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, bà Lê Thị Ái Nam, người vừa trúng cử Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã yêu cầu các đại biểu trong địa bàn của mình “phải lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như thực hiện tốt lời hứa với người dân”.

Những điều bà Ái Nam nói thực chất chỉ là những yêu cầu tối thiểu đối với một đại biểu ở Hội đồng nhân dân hay đại biểu Quốc hội bởi là đại biểu cho dân mà không biết “lắng nghe” dân thì “lắng nghe” ai? Lắng nghe mà không phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân thì lắng nghe để làm gì? Và cuối cùng, làm người bình thường cũng phải giữ lời hứa bởi “lời nói đọi máu”, “một sự thất tín, vạn sự bất tin” huống chi là đại biểu của dân, của nước?!

Làm đại biểu cho dân, không chỉ được hưởng lương từ tiền đóng thuế của dân mà cao hơn nữa, là tình cảm, niềm tin, sự gửi gắm của dân hay nói cách khác, tiền từ dân, tình của dân, các vị hãy làm sao cho xứng đáng, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám