“Săn đầu người” ở đâu xa!

(Dân trí) - Những gương mặt thủ khoa lần lượt xuất hiện theo danh sách công bố điểm thi đại học năm nay của các trường. Đã thi cử tất có người đỗ cao nhất, biết là như thế, nhưng câu chuyện thủ khoa luôn thu hút sự quan tâm của xã hội.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Cũng như mọi năm, nhiều bạn là học trò nghèo vùng nông thôn, không có điều kiện học tập tốt nhưng vẫn thi đỗ thủ khoa, thường được khen ngợi là “vượt khó học giỏi”. Các bạn thật xứng đáng, bởi vì đã chiến thắng được khó khăn, nghèo khổ để theo đuổi việc học và học giỏi. Những bạn nghèo được báo chí nhắc đến, kể nhiều chuyện rất cảm động. Câu chuyện nào cũng hay và đáng để làm gương cho cuộc đời.

 

Nhưng trong danh sách thủ khoa, cũng có nhiều bạn con nhà khá giả, nhà giàu nữa. Hình như các bạn ít được biết đến gì hơn ngoài danh hiệu thủ khoa, bởi vì các bạn không có những chuyện cực khổ, cảm động đến rơi nước mắt. Các bạn là con nhà giàu mà?

 

Thực ra như vậy là chưa nhìn nhận đúng và công bằng đối với các bạn. Con nhà nghèo hay con nhà giàu học giỏi đều xứng đáng được tôn vinh. “Vượt khó học giỏi” và  “vượt giàu học giỏi” quả thực đều rất đáng khen. Con nhà khá giả, nhưng không đua đòi, không hư hỏng, ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, chuyên tâm việc học hành chẳng phải là đã vượt lên những cám dỗ rồi hay sao? Rất nhiều gia đình giàu có cay đắng vì con cái ỷ vào đồng tiền, quyền thế của cha mẹ, theo bạn bè ăn chơi trác táng, đua xe, xài hàng hiệu, “cậu ấm cô chiêu” ngồi chật các quán bar. Các bạn này đã không có được khả năng “vượt giàu” để học giỏi.

 

Đối với các thủ khoa, tưởng cũng không nên tán tụng nhiều, mà hãy nói với các bạn rằng, đó chỉ là kết quả của một kỳ thi chứ không phải là sự thành công gì ghê gớm, hai chữ thành công hay thành đạt còn chờ đợi sau khi vượt qua một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, để nâng bước cho các bạn, cần có chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ đào tạo. Cụ thể nhất là cấp học bổng cho các bạn đi du học với cam kết trở về phục vụ có thời hạn cho nhà nước.

 

Các địa phương có phong trào “trải thảm đỏ đón nhân tài”. Địa phương nào cũng kêu ca thiếu cán bộ trẻ có năng lực, cho nên tổ chức nhiều buổi tiếp xúc sinh viên để mời gọi rất tha thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người tốt nghiệp loại giỏi về tìm việc chảy máu con mắt không ai nhận. Nếu lãnh đạo các tỉnh, thành có tầm nhìn xa, thì nên cấp học bổng cho các bạn thủ khoa, không phân biệt giàu nghèo, đi du học để trở về phục vụ cho địa phương.

 

Các doanh nghiệp cũng kêu ca không có kỹ sư, chuyên gia giỏi, phải đi “săn đầu người”. Vậy thì đã có sẵn bao nhiêu “chiếc đầu thủ khoa” đó, khỏi săn đâu cho xa. Các doanh nghiệp có dám mạnh dạn đầu tư cho những bạn này đi học để làm nguồn nhân sự dài lâu cho đơn vị mình. Chuyện này không có gì mới đâu, Cty Intel Việt Nam đã tuyển sinh viên của các trường kỹ thuật (không cần phải thủ khoa) đưa sang Mỹ đào tạo để có lực lượng kỹ sư tinh thông cho họ. Intel bỏ hàng triệu USD cho chương trình này, chẳng lẽ các đại gia tên tuổi hoành tráng của Việt Nam không làm nổi một phần trăm của họ? Tài trợ một chương trình người đẹp hoặc thi nhảy nhót, thi cặp đôi phù phiếm thì được, nhưng tài trợ cho chuyện học hành lại ít ai nghĩ đến. Buồn thay!

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!