Phải chăng sự trì trệ, vô trách nhiệm đã trở thành cố hữu…?

(Dân trí) - Có nên đặt câu hỏi, sự tồn tại của họ để làm gì và có nên duy trì sự tồn tại này bởi mỗi năm, Nhà nước phải chi từ ngân sách một khối lượng tiền khổng lồ cho mỗi tổ chức? Đây không phải là câu hỏi mới nhưng có lẽ, nó sẽ còn được tiếp tục đặt ra bởi sự trì trệ, vô trách nhiệm hình như đã trở thành cố hữu…?

Phải chăng sự trì trệ, vô trách nhiệm đã trở thành cố hữu…? - 1

Lại một vụ hành hung người làm dã man vừa xảy ra tại Gia Lai.

Theo tác giả Hoàng Thanh, báo Người Lao động, bài “Hành trình chạy trốn khỏi "địa ngục trần gian" của cô gái bị tra tấn dã man” cho biết, khoảng 1 giờ sáng 12-7, chị Y Nhiêu trong tình trạng thương tích nặng đã đến Công an phường Thống Nhất, TP Pleiku trình báo về việc bị đối tượng Nguyễn Thị H. (tên thường gọi là Ng., SN 1979, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất) đánh đập dẫn đến chấn thương. Trong đó, rất nhiều chỗ chưa lành, đặc biệt là các vết thương ở vùng bụng, tay, vai…

Theo bài báo, chị Nhiêu cho biết sau những ngày đầu bị tra tấn dã man, chị đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn nhưng bà N. dọa nếu bỏ trốn sẽ bị đánh, giết cả người thân.

"Bà ấy nói với em là nếu em bỏ trốn thì chỉ cần về tới nhà là đã thấy xác mẹ em nằm đó rồi. Em sợ quá không dám" – Y Nhiêu kể lại.

Sau khi bị dùng búa đánh nhưng không gãy răng, kẻ thủ ác dùng kìm bẻ gãy 3 chiếc răng Y Nhiêu.

Đến khoảng 18 giờ tối 10-6, bà N. dọa đến đêm sẽ cắt lưỡi. Nghe vậy, chị Nhiêu vô cùng hoảng sợ. Lợi dụng lúc đi đổ than, chị bỏ trốn, cố chạy thật nhanh ra khỏi căn nhà mặc dù đôi chân đau nhức do bị hành hạ liên tục trong nhiều ngày trước đó…

Đọc những dòng trên, người viết bài này không khỏi rùng mình vì ghê sợ và căm giận bởi sự tàn độc ở đây hình như không còn giới hạn. Không thể nói khác, hành vi của bà N.T.H không phải là của con người với con người.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã có công văn yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo cho các lực lượng chức năng và Công an TP Pleiku nhanh chóng điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Như vậy là rồi đây, sau khi những hành vi tàn độc (nếu có) được làm rõ, bà N.T.H chắc chắn sẽ phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Song, người viết bài này không khỏi băn khoăn bởi đây không phải là lần đầu và có lẽ cũng không phải là lần cuối cùng những hành vi man rợ này diễn ra trên đất nước chúng ta.

Trước đây, đã có nhiều vụ việc từng đem ra xét xử và những kẻ độc ác đã phải chịu những bản án khá nghiêm khắc. Thế nhưng, những hành vi man rợ này vẫn không chấm dứt, thậm chí vụ sau còn ghê sợ hơn vụ trước.

Vì sao con người với con người lại có thể hành xử với nhau một cách dã man như vậy?

Làm gi để chấm dứt tình trạng này và ai là người phải chịu trách nhiệm?

Đặc biệt với phụ nữ và trẻ em, những đối tượng mà trên “danh nghĩa”, có hàng chục cơ quan có trách nhiệm bảo vệ họ nhưng thường là chẳng phát hiện ra vụ việc nào, thậm chí khi sự việc xảy ra thì họ vẫn… im lặng.

Có nên đặt câu hỏi, sự tồn tại của họ để làm gì và có nên duy trì sự tồn tại này bởi mỗi năm, Nhà nước phải chi từ ngân sách một khối lượng tiền khổng lồ cho mỗi tổ chức?

Đây không phải là câu hỏi mới nhưng có lẽ, nó sẽ còn được tiếp tục đặt ra bởi sự trì trệ, vô trách nhiệm hình như đã trở thành cố hữu…?

Bùi Hoàng Tám