Những “lao động khổ sai” ở “xí nghiệp đen”

(Dân trí) - Những người lao động đang làm việc trong các xưởng may đen ở Nga được xem là những “nô lệ”. Báo chí Nga cũng sử dụng cụm từ này khi nói về họ.

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 

 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Lao Động, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nói rằng: “Tôi sang Nga và sau khi nghe báo cáo về tình trạng người lao động Việt Nam tại các “xí nghiệp đen”, tôi đắng miệng nuốt cơm không được. Tôi nghĩ rằng, không thể vì miếng cơm manh áo mà con người làm việc và sống như nô lệ thời trung cổ”.

 

Hai chữ này hay bốn chữ “lao động khổ sai” được dùng rất đúng với chính những người lao động đang làm việc trong các xưởng may đen. Họ bị bắt phải làm việc 18 giờ một ngày, làm suốt 7 ngày một tuần. Họ thiếu thốn mọi thứ trong sinh hoạt, kể cả nước để tắm, có người suốt hai tháng không được tắm. Họ bị hăm dọa, hành hạ, đánh đập. Họ bị nhốt trong những căn phòng không có cửa sổ, bị khóa chặt cửa nên không được ra ngoài. Vụ hỏa hoạn ở một xưởng may đen ở Iegorievski ngày 11.9.2012 đã thiêu sống 14 người vì họ bị nhốt trong một căn nhà.

 

“Lao động khổ sai” Việt Nam làm việc cho những xí nghiệp đen ở Nga rất nhiều, lên đến con số ngàn. Mới đây, chiến dịch truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp của chính quyền Nga đã tạm giữ gần 1.200 lao động Việt Nam. Hình ảnh họ đang sống trong những lán trại tạm bợ được truyền thông quốc tế  đưa tin, đó cũng là hình ảnh của một quốc gia nghèo có con dân đang lang thang phiêu bạt kiếm sống trong thân phận tôi đòi.

 

Hàng trăm lao động đó đến nước Nga như thế nào, bằng cách nào? Họ đã nghe theo lời dụ dỗ của các đường dây buôn người trá hình dưới nhiều vỏ bọc khác nhau như nhà tuyển dụng, nhà môi giới, rồi đưa  con mồi sang Nga theo con đường du lịch. Để được đi lao động khổ sai và trở thành “lao động khổ sai”, những người lương thiện phải đóng một khoản  tiền trung bình 2.000 USD cho đường dây môi giới.

 

Lao động từ Việt Nam sang sẽ được bán lại cho các ông chủ là trùm các xí nghiệp đen. Sau khi biến họ trở  thành người nhập cư bất hợp pháp, các ông chủ đưa họ vào khai thác. Biết họ không có khả năng tự bảo vệ, xoay xở ở xứ người vì đơn độc, thiếu kiến thức pháp luật, không biết ngoại ngữ, các ông chủ biến họ thành công cụ lao động.

 

Tất cả những thông tin về lao động ở Nga đã được biết đến nhiều năm qua, nhưng tình trạng tổ chức tuyển dụng và đưa người sang Nga vẫn tiếp tục diễn ra mà không ai ngặn chặn. Những đường dây buôn người vẫn tiếp tục hoạt động, đẩy biết bao nhiêu người lương thiện vào trong sự tăm tối, nợ nần và đói nghèo.

 

Để không có “lao động khổ sai” Việt Nam tại Nga, cần triệt phá đường dây buôn người ngay từ trong nước đồng thời tổ chức chặt chẽ việc xuất khẩu lao động cũng như có biện pháp quản lý phù hợp để tránh hiện tượng du lịch trá hình đến nước Nga.

Và xa hơn nữa, chúng ta tin rằng khi đất nước phát triển, người dân sống no đủ ngay trên quê hương mình thì sẽ không còn ai phải lê thân đi kiếm ăn đầy khổ đau và rủi ro nơi đất khách quê người…

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!