Người tiêu dùng thông thái còn nhà quản lý thì sao?

(Dân trí) - Nước mắm dởm xuất hiện trên thị trường, giá một lít nước mắm loại này không bằng chai nước lọc. Dân mình mua về dùng vô tư, không quan tâm đến chất lượng, chỉ cần rẻ.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Không chỉ nước mắm, nước tương nhiễm chất gây ung thư, bánh phở có ngâm các loại độc chất gây nguy hại cho sức khỏe, nhiều loại thịt, chả, mứt, bánh có hàm lượng hóa chất có thể gây ung thư xuất hiện tàn lan trên thị trường. Thậm chí đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có chứa chất độc gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

 

Người tiêu dùng từng sửng sốt khi báo chí đưa tin nước tương chứa chất 3-MCPD vượt quá qui định của Bộ Y tế. Hóa ra nhiều năm, người dân sử dụng nước tương chứa chất nguy hiểm này nhưng không hề hay biết. Sự thật được đưa ra ánh sáng, nhưng không có nhà sản xuất nào bồi thường cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất đặt câu hỏi, biết bao nhiêu người ăn loại nước tương này, ăn bao nhiêu, thiệt hại như thế nào để bồi thường. Tất nhiên không ai moi bụng mình ra để chứng minh hàm lượng chất độc trong người có nguồn gốc từ nước tương. Thế là hòa cả làng.

 

Đi vào các quán ăn, thực khách khó có thể biết được trong bát canh hay đĩa thịt của mình có an toàn hay không, bởi vì có thể thịt và rau còn tươi, nhưng các loại gia vị để nấu bát canh và đĩa thịt đó chưa biết như thế nào. Cũng như loại nước mắm rẻ hơn nước lọc đang tiêu thụ trên thị trường, nhiều người mua về để chế biến thực phẩm để giảm giá thành, người dân ăn phải các loại thực phẩm qua chế biến này không thể biết trong đó có loại nước mắm pha từ chất màu và chất bảo dưỡng. Hay rau củ quả nhìn bên ngoài thật tươi tốt, nhưng thực chất là do các tác động của các loại hóa chất. Vậy thì, đố người tiêu dùng nào biết được.

 

Cho nên, khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Tất nhiên, người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách đừng tham của rẻ mà trúng của ôi, mà bỏ độc vào bụng mình. Nhưng có rất nhiều loại thực phẩm người dân không thể phát hiện độc tố bằng cảm tính mà cần phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng, có chuyên gia và công cụ đo lường. Đối với những loại như vậy, thì xin đổi khẩu hiệu “Hãy là nhà quản lý thông thái”.

 

Dân đóng thuế để nuôi chính quyền, cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu, thẩm định để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng. Nếu như để cho trên thị trường tràn lan các loại thực phẩm nhiễm chất độc, không an toàn cho sức khỏe của con người thì rõ ràng nhà quản lý “không thông thái”. Xét theo khía cạnh này, có thể thấy khi không quản được thì đừng đổ trách nhiệm cho người dân.

 

Thực trạng thực phẩm mất an toàn ngày càng khó kiểm soát. Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể không còn hiếm gặp. Chưa kể người tiêu dùng tuy không bị ngộ độc, nhưng chất độc tích tụ trong cơ thể từng ngày, lâu dài sinh ra bệnh tật, kể cả bệnh hiểm nghèo. Số lượng bệnh nhân ung thư tăng hằng năm có nguyên nhân từ chuyện ăn uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Hiện thực này chứng minh chúng ta đang thiếu những nhà quản lý thông thái.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!