Muốn trò “tôn sư”, thầy cũng cần phải biết “trọng đạo”

(Dân trí) - Xin nói thẳng, muốn trò “tôn sư” thì trước hết, thầy phải biết “trọng đạo” làm thầy. Đó là ngoài tri thức, là trách nhiệm còn cần tình yêu thương chân thành và sự sẻ chia, thấu hiểu. Nếu như thầy không trọng đạo lý mà đòi hỏi sự “tôn sư” ở học trò là không công bằng, là vô lý. Vả lại, người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”....

Muốn trò “tôn sư”, thầy cũng cần phải biết “trọng đạo” - 1

Mới cách đây 3 ngày (27/3), trong bài “ Nghề nào được coi là “nghề nguy hiểm” nhất hiện nay? ”, người viết bài này đã bày tỏ thái độ hết sức lo ngại về tình trạng thầy giáo và thầy thuốc bị hành hung ngay tại trường học và bệnh viện.

Trong bài, người viết cũng không ngần ngại bày tỏ thái độ công phẫn trước những hành động vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạp truyền thống đạo lý dân tộc, thẳng thắn ủng hộ các thầy, cô giáo và thầy thuốc.

Tuy nhiên, sau khi đọc loạt bài báo phản ánh về những hành vi của cô giáo cô Trần Thị Minh Châu Trường, THPT Long Thới (Nhà Bè), TP HCM thì người viết bài này cũng không thể không phẫn nộ.

Theo như bài báo phản ánh, đã nhiều tháng nay, hầu như cô Châu không giảng bài, thậm chí lạnh lung đến mức cả việc trò chuyện với các em học sinh cô cũng “nói không”.

Tuy nhiên, nếu như cô “mở miệng” thì đó chính là một sự khủng bố về tinh thần.

Theo phản ánh của PV Dân trí, cô giáo này còn có “tiền sử” khủng bố học sinh. Khi còn dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, trong giờ giảng, khi có tiếng ồn, cô quay xuống hỏi: "Ai sủa trong lớp?" rồi chất vấn lớp trưởng : "Ai là người thường hay sủa trong lớp?". Sau đó, cô Châu đã đuổi một học sinh ở vị trí phát ra tiếng ồn và nhiều học sinh khác ra ngoài.

Ở nhiều tiết học khác, cô Châu cũng thường xuyên đuổi học sinh ra ngoài hành lang, thậm chí có khi đuổi gần nửa lớp đến độ thời điểm đó ở trường còn gọi "lớp học ngoài hành lang". Có trường hợp, học sinh ốm nghỉ học có xin phép, giám thị xác nhận cô Châu vẫn đuổi ra ngoài, xé sổ liên lạc.

Phụ huynh còn phản ánh, con họ bị cô chửi "Phân chó mà tưởng pa tê" và cô gọi con chị là "giống như chó dại", "mày về uống thuốc thần kinh" khi em thay mặt cả lớp xin nhà trường giữ lại cô giáo cũ để không phải học cô Châu. Có lần thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Giang can thiệp nhưng khi thầy hiệu trưởng đi rồi, cô Châu lại đuổi tiếp.

Vì thế, cô Châu bị điều chuyển về ngôi trường Long Thới nói trên.

Có lẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ cách xử lý trước đây, lần này cô Châu áp dụng chiến thuật “khủng bố im lặng”. Cách này vừa khủng bố tinh thần, vừa vô trách nhiệm với học sinh, nhất là với các em học sinh lớp 10 – 11 mà cô tham gia giảng dạy.

Đây là lứa tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời, song cũng rất nhạy cảm. Chỉ một hành vi nhỏ thôi, cũng để lại trong lòng các em những ấn tượng không mấy tốt đẹp, thậm chí còn có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Thật lòng, từ trong tâm khảm, người viết bài này luôn kính trọng và chia sẻ với các thầy, cô giáo. Song, với những gì đã và đang diễn ra gần đây, người viết bài này không thể không đặt câu hỏi: Truyền thống tôn sư, trọng đạo gần đây lại sa sút như vậy liệu có trách nhiệm của những người thầy? “Tiên trách kỉ - Hậu trách nhân”, chả lẽ chỉ là lỗi của học trò, của phụ huynh?

Xin nói thẳng, muốn trò “tôn sư” thì trước hết, thầy phải biết “trọng đạo” làm thầy. Đó là ngoài tri thức, là trách nhiệm còn cần tình yêu thương chân thành và sự sẻ chia, thấu hiểu.

Nếu như thầy không trọng đạo lý mà đòi hỏi sự “tôn sư” ở học trò là không công bằng, là vô lý. Vả lại, người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ca dao cũng có câu minh họa cho nội dung này: “Bề trên ở chẳng chính ngôi – Để cho bề dưới chúng tôi lăng loàn”.

Trong khi nhiều, rất nhiều các thầy cô giáo đang ngày đêm lăn lộn vì học sinh thân yêu, những thầy thuốc hết lòng với người bệnh thì cũng có không ít thầy cô coi phụ huynh như “cái mỏ” để “đào bới”, những thầy thuốc coi bệnh nhân như “mặt hàng” hay… “con mồi”?!

Một “con sâu” đã “làm rầu nồi canh”, xin đừng để “nồi canh” nhiều sâu quá…

Bùi Hoàng Tám