Một thông tin “hót hòn họt”, top 300 và “văn hóa không nhúc nhích”!

(Dân trí) - Một thông tin “hót hòn họt” đối với giáo dục, đó là trong tương lai (dự kiến khoảng sau 2020), toàn quốc sẽ bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, giao cấp trường xét tốt nghiệp. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông) cho biết, việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các cấp trường căn cứ vào đánh giá định kỳ năng lực học sinh


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tuy nhiên, thông tin này "hót" nhưng không mới bởi cách đây 5 năm (7/6/2012), trên mục Blog dân trí, bài “Thi tốt nghiệp THPT - Nên để hay bỏ?”, người viết bài này đã đặt câu hỏi: “Từ nhiều năm nay, chất lượng kỳ thi PTTH có thể nói là rất hình thức. Hầu hết các em dự thi đều đạt kết quả, thậm chí với số điểm rất cao. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở hầu hết các địa phương cũng đều đạt trên 95% và nhiều trường đạt tới 99 – 100%. Điều đó có nghĩa là bắt 10 ngàn thí sinh đi thi chỉ để chọn ra 1-200 em trượt.

Bài toán đặt ra là có nên tổ chức một kỳ thi tốn kém về thời gian, tiền bạc nhưng lại thu được kết quả rất hình thức như vậy không? Hay là có cách nào khác như để các trường được tự quyền đánh giá kết quả học tập như đã từng có trong tiền lệ?”.

Một năm sau đó (8/2013), cũng trên chính mục Blog, người viết bài này tiếp tục đặt vấn đề “Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?” và đề nghị nên bỏ vì mấy lý do tương tự.

“Thứ nhất, tỉ lệ tốt nghiệp tại các kỳ thi này thường rất cao, nhiều địa phương con số này lên đến 98-99%. Có trường cả một kỳ thi với hàng trăm học sinh, tốn kém thời gian, tiền của rất lớn nhưng kết quả chỉ loại ra vài ba em nên là điều bất hợp lý.

Thứ hai, có quá nhiều những tiêu cực nảy sinh từ kỳ thi này như thí sinh thì quay cóp tràn lan, phụ huynh thì đóng tiền “chống trượt” cho con, thày cô dễ dãi, thậm chí có hiện tượng tiếp tay cho những hành vi tiêu cực. Đó là chưa kể một khoản ngân sách khổng lồ từ phụ huynh và nhà nước phục vụ cho kỳ thi rất thiếu chính xác này”.

Cũng thời điểm này (8/2013), tại Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Doan (khi đó là Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) đã “Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao”.

Một thời gian sau, Bộ GD&ĐT đã cho kết hợp hai kỳ thi, tốt nghiệp PTHT và tuyển sinh đại học. Việc sáp nhập “2 trong 1” này phần nào phần nào giải tỏa áp lực thi cử, song đã bộc lộ không ít hạn chế vì nó vẫn phảng phất không khí rầm rộ không cần thiết đồng thời cũng chưa phải là phương pháp sàng lọc tối ưu cần có.

Bởi việc kết hợp một kỳ thi mang tính kiểm tra kiến thức (thi tốt nghiệp) với một kỳ thi tuyển sinh (thi tuyển sinh đại học) sẽ là giảm đi tính sát hạch khắt khe của nó. Vì thế, chủ trương bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT vừa qua là chính xác và cần thiết.

Tuy nhiên, có một điều hơi khó hiểu, đó là những bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT ai cũng biết, báo chí từng nhiều lần lên tiếng, tuy nhiên, phải 5 năm sau (2012 - 2017), nó mới “manh nha” trong ý tưởng của những nhà quản lý giáo dục và chắc chắn ít nhất phải 8 năm sau (GS Nguyễn Minh Thuyết từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp), may ra nó mới thành hiện thực.

Trao đổi với người viết bài này qua điện thoại, GS Thuyết còn cho biết với chương trình và sách giáo khoa mới, nếu vẫn duy trì mô hình thi cử như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Trong khi nền khoa học thế giới tiến lên từng ngày, từng giờ mà giáo dục vẫn “lẹt đẹt”, mang nặng tinh thần của “văn hóa không nhúc nhích” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới có trường đại học lọt vào top 300 Châu Á, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám