Một mất… mười ngờ!

(Dân trí) - Làm sao có thể trách dư luận, con người thời nay “ lắm hoài nghi”, “dễ thất vọng”, “mất niềm tin”, “thích vơ đũa cả nắm”… hay nói một cách mỹ miều là thường “khái quát nhầm” đến thế? Có gì đâu! Cha ông ta thường nói “Một mất, mười ngờ” mà!


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cô hoa hậu thường xuyên đi dự sự kiện trễ, ăn mặc xấu xí, tư thế hớ hênh vô duyên, hút thuốc lá, say xỉn… sau mỗi sự cố lại nói lời xin lỗi, rằng “là một bài học lớn trong đời” để rồi sự cố cô vi phạm sau còn lớn hơn sự cố vi phạm trước. Còn có cả hoa hậu trở thành “Tú bà”, hoa hậu bị khởi tố hình sự về tội lừa đảo mà công chúng ai cũng biết.

Dư luận đặt câu hỏi vậy các cuộc thi tuyển hoa hậu đã tiến hành như thế nào? Bên cạnh các tiêu chuẩn về hình thể, nhan sắc, một hoa hậu bắt buộc phải đảm bảo đạt chuẩn văn hóa, đạo đức ra sao? Tại sao họ lại nhanh chóng bộc lộ các nhược điểm, khiếm khuyết như thế?

Cô giáo trẻ luôn đoạt giải nhất nhì trong các cuộc thi giáo viên giỏi, quản lý giỏi, từng đạt thủ khoa, tham gia một game show khi trả lời 8 câu hỏi kiểm tra kiến thức cô đã phải cần tới 4 lần trợ giúp. Và khi được hỏi về một địa danh lịch sử đương đại nổi tiếng là Nghĩa trang Hàng Dương, cô đã trả lời sai.

Một học sinh ở Đắc lắc bị cưa chân chỉ vì bác sĩ thiếu trách nhiệm, tắc trách rồi các vụ “tai nạn nghề ngiệp” kiểu quên bông băng trong người bệnh nhân sau khi phẫu thuật hay chẩn đoán nhầm, tiêm nhầm, cắt nhầm bộ phận lành lặn của cơ người thể bệnh, rồi cán bộ của ủy ban Phòng chống tệ nạn xã hội phạm tội buôn ma túy, cán bộ Hải quan bảo kê cho buôn lậu, cán bộ kiểm lâm tham gia đường giây phá rừng v.v và v.v.

Tất nhiên đó là những câu chuyện dị biệt, hi hữu, không phổ quát nhưng nó là những điểm đen có thực làm xấu bức tranh chung và hiệu ứng tâm lý mà nó đem lại thật ghê gớm. Dư luận hết ngỡ ngàng đến bàng hoàng và cuối cùng là thất vọng.

Một trong những câu hỏi xoáy vào dư luận là “Chất lượng đào tạo, tuyển lựa thế nào mà “sản phẩm” ra đời lại thê thảm như vậy?”, “Thiết chế xây dựng, quản lý và vận hành ra sao mà cỗ máy lại có những ốc vít biến chất đến thế?”, “Có hay không những “lỗ thủng” trong các quy trình tỏ ra rất chặt chẽ và đạt chuẩn kia?”… Đừng trách dư luận hoài nghi, “vơ đũa cả nắm”. Cha ông đã nói, “một mất mười ngờ” mà!

Bác sĩ có thể không thật giỏi, chưa được như “Từ mẫu” nhưng không thể ấu trĩ hay vô cảm, vô trách nhiệm trước người bệnh đến thế. Hoa hậu có thể không thật cao, không thật xinh nhưng không thể nhếch nhác hay yếu kém về đạo đức như thế. Một vài hiện tượng, thậm chí dăm bảy người không phải là tất cả, nhưng chính con số nhỏ đó lại lấy đi nhanh chóng niềm tin của xã hội.

Chúng ta đều biết, niềm tin không phải là thứ có thể mặc định. Niềm tin được xác lập trên cơ sở thực tế. Nó tồn tại không phải như một nghĩa vụ, nó là sự tự xác tín của mỗi cá nhân. Xây dựng được một niềm tin đã khó, khi bị mất nó, thật khó khăn để lấy lại. Nếu chẳng may bạn đánh mất niềm tin của ai đó, bạn chỉ còn cách bắt đầu lại từ đầu một cách nhẫn nại, kiên trì, không oán thán.

Cát Thụy