Lời “tuyên chiến” của Bộ trưởng Cao Đức Phát

(Dân trí) - Có thể nói như vậy xung quanh những phát ngôn mới đây của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Cũng ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cách đây ít lâu, trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã “tuyên chiến” với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt bằng một câu nói đầy phẫn nộ: “Sử dụng chất cấm là một tội ác”. Đồng thời xác đinh đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành và cho biết sẽ phối hợp triển khai đồng loạt bằng nhiều giải pháp.

Trong một cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cùng với đại diện một số bộ, ngành về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Phát tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng những hình phạt trong lĩnh vực này còn quá nhẹ. “Có những vụ như vụ ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ, có qui mô bán cho hàng vạn người ăn, khi cơ quan chức năng đến phát hiện, bắt thì phạt 6,5 triệu đồng. Một hành vi dã man, đầu độc bao nhiêu người như vậy mà chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng rồi thôi. Không thể được, không thể được".

Vâng, không thể được, không thể được và không thể được bởi những hành vi này dù có biện minh bằng việc thiếu hiểu biết thì hình phạt như trên là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Mặt khác, có lẽ cũng nên lưu ý không phải là chỉ nói suông “không thể được” với “không thể được” mà là làm thế nào để việc đó không được xảy ra?

Không phải đỏ lỗi cho dân nhưng công bằng, ở đây có lỗi của sự thiếu hiểu biết, có cả sự độc ác của một số người Việt đang tâm đầu độc đồng bào mình.

Song, lỗi không nhỏ thuộc về công tác quản lý.

Nói thẳng ra, công tác quản lý trong lĩnh vực này còn thiếu hiệu quả mà nguyên nhân là sự “đổ lỗi” vòng quanh. Bộ này đổ lỗi cho bộ kia, ngành này đổ lỗi cho ngành nọ, quan đổ lỗi cho dân, bộ ngành đỏ lỗi cho địa phương… nên nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, ai cũng tốt cả sao dân vẫn phải ăn bẩn:

“Chúng ta cứ nói các Bộ phối hợp với nhau tốt, phối hợp tốt tại sao dân vẫn phải ăn bẩn thì tốt cái gì. Nói thế thì không được, nói thế thì khác gì cứ bảo dân tiếp tục ăn bẩn đi để Bộ có lộ trình”, nguyên văn, ông Thăng nói.

Và giờ đây, đã có một người dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm chính về mình và “tuyên chiến” với nó. Đó là Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Song, trong “trận chiến” này không thể thành công nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là của chính quyền các địa phương. Bộ trưởng Phát đã có lý khi “ưu tư”: "Chúng tôi có một số vấn đề ưu tư đặt ra là tại sao, có những vụ, khi lực lượng của Bộ về địa phương, phối hợp với địa phương thì bắt được. Trong khi ở đó bình thường lại không làm, mà có nhiều việc, không chỉ chất cấm ", ông Phát nói.

Rất may là đến lúc này, Bộ trưởng Phát đã có ít nhất là một “đồng minh”. Đó là tỉnh Nghệ An.

Được biết mới đây, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung kiểm tra, siết chặt việc sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm với sự tham gia quyết liệt từ các sở: NN&PTNT, Sở Y tế, Công thương, Công an…

Trong đó đáng ghi nhớ là lời “tuyên chiến” của ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo VSATTP cấp tỉnh: “Đây là cuộc đấu tranh chống lại tội phạm nên trong thời gian tới cần phải có sự quyết liệt, quyết tâm”.

Coi cuộc đấu tranh chống thực phẩm độc hại là “cuộc đấu tranh chống tội phạm” là một thái độ kiên quyết, không khoan nhượng.

Tiếc thay cho đến nay, hình như chỉ có mỗi Nghệ An phát đi lời “tuyên chiến” này. Các địa phương khác đâu cả rồi nhỉ?

Xin đừng để “lời tuyên chiến” của Bộ trưởng Phát "cô đơn" rơi vào im lặng…

Bùi Hoàng Tám