Lời than thở… “nhức nhối” của Chủ tịch TP HCM

(Dân trí) - Người dân chỉ mong sao với quyền lực và trách nhiệm của mình, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong sẽ xóa bỏ những “hầm chông” dưới tấm “thảm đỏ” để không bao giờ phải thốt lên những từ “nhức nhối” hay “thảm hại”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

"Vừa qua, việc xảy ra tại huyện Bình Chánh làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của thành phố ghê gớm. Trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố”".

Đó là lời than thở sau vụ án quán “Xin chào” của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về tình hình Kinh tế - Xã hội 4 tháng đầu năm của TP HCM (Bài Vụ “cà phê Xin chào” ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư, kinh doanh TP.HCM – Báo Dân trí ngày 28/4).

Theo bài báo, người đứng đầu chính quyền TP HCM còn tỏ ra bức xúc khi chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh năm 2015 của thành phố xếp thứ 47/63, còn chỉ số về tính minh bạch tụt từ thứ 4 xuống 17. Trong đó, 5/6 chỉ tiêu chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 về các lĩnh vực như sự tham gia của người dân, tính công khai minh bạch, giải trình cho người dân, giải quyết tham nhũng… của TP HCM tụt hạng.

"Đây là chỉ số rất nhức nhối. Rõ ràng sự đánh giá của người dân đối với chính quyền cơ sở không cao. Chúng ta ngồi đây để nâng hiệu quả nhưng kết quả thì thấy không hài lòng. Các đồng chí đứng đầu cơ sở phải bức xúc trước chỉ số này… Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch tụt từ thứ 4 xuống thứ 17; chỉ số về chi phí không chính thức từ thứ 42 tăng lên thứ 54".

“Nhức nhối” và “thảm hại” là những từ được Chủ tịch Thành phố thốt ra trong sự bức xúc cao độ.

Vì sao TP HCM, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang ôm ấp “ước mơ Singapore” như khát vọng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lại “nhức nhối” và “thảm hại” như lời của vị Chủ tịch?

Nguyên nhân thì có nhiều, song, người đứng đầu chính quyền thành phố đã chỉ rất rõ qua một ví dụ “nhỏ như móng tay”, đó là vụ quán “Xin chào” đang “nổi danh” khắp nước, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của TP HCM:

"Trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố”. Ông Phong nói.

Có thể nói tính đến thời điểm hiện tại, vụ việc này đã kết thúc có hậu. Những người làm sai bị kỉ luật nặng. Người chủ quán Xin chào đã bảo toàn danh dự và được chính quyền và người làm sai xin lỗi.

Song, “di họa” mà nó để lại đúng là “ghê gớm” bởi nó đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả người dân vào đội ngũ công quyền của thành phố.

Song, có một câu hỏi đặt ra là nếu không có sự kiên quyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thái độ của báo giới thì liệu sự việc có kết quả như hôm nay hay sẽ tiếp tục “bất công trong êm đẹp”? Và liệu ở cái thành phố gần 10 triệu dân này có còn một vụ quán Xin chào nào nữa hay không?

Thật là nhức nhối trong khi cả Thành phố đang thiết tha “trải thảm đỏ” thì những vụ việc xảy ra ở quán Xin chào không còn là “rải đinh”nữa mà là… “thủ hầm chông”.

Cho nên, người đứng dầu chính quyền thành phố Nguyễn Thành Phong phải kêu lên “nhức nhối” và “thảm hại” là hoàn toàn thông cảm.

Người dân chỉ mong sao với quyền lực và trách nhiệm của mình, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong sẽ xóa bỏ những “hầm chông” dưới tấm “thảm đỏ” để không bao giờ phải thốt lên những từ “nhức nhối” hay “thảm hại” nữa, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám