Lời khuyến cáo với Niềm tin

(Dân trí) - Sự phẫn nộ này còn lớn hơn cả sự phẫn nộ khi nhìn thấy những vụ trộm cắp, cướp giật. Bởi thứ mà những kẻ xấu đang lừa gạt, lấy cắp đi chưa phải là tiền mà là lòng tin, là niềm trân trọng đối với tín ngưỡng và lòng từ bi bác ái trong đời sống.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chiều ngày 12/12 vừa qua, trong một bản tin của VTV1 đã phát đi phóng sự ngắn về hiện tượng một nhóm kẻ xấu đang giả danh nhà sư đi khất thực kiếm tiền ở thành phố du lịch Vũng Tàu. Việc làm này của họ đã khiến Giáo hội Phật giáo hơn một lần phải lên tiếng bởi xúc phạm nghiêm trọng đến sự thiêng liêng nơi cõi Phật.

Sự nghi ngại của cộng đồng ở chỗ này, chỗ kia không phải bây giờ mới có, nhưng việc tận mắt nhìn thấy cảnh một người mặc áo cà sa, đầu cạo trọc, chân đất, tay ôm bát đồng, tay cầm tràng hạt, đi từng bước khoan thai trên đường rồi bỗng chốc trốn vào chỗ vắng, trút bỏ tất cả để mặc lại bộ quần áo của người thường, bịt khẩu trang kín mặt, hùng hổ phóng xe máy vút đi… vẫn gây sốc cho người xem.

Số tiền mà kẻ mạo danh lừa gạt kiếm được chắc cũng không nhiều, danh tiếng của những vị chân tu cũng không vì thế mà ảnh hưởng nhưng cứ nghĩ đến cảnh từng đồng bạc lẻ của những người lao động nghèo là anh chạy xe ôm, chị bán hàng dạo, cháu học sinh nhỏ tuổi… lần lượt đặt trân trọng vào chiếc bát đồng trên tay kẻ mạo danh mà thấy phẫn nộ. Sự phẫn nộ này còn lớn hơn cả sự phẫn nộ khi nhìn thấy những vụ trộm cắp, cướp giật. Bởi thứ mà những kẻ xấu này lấy cắp, thứ mà chúng ta mất vào tay họ thực ra không phải là tiền mà là lòng tin, là thái độ trân trọng đối với tín ngưỡng và sự thành tâm sẻ chia trong đời sống.

Để kiếm được tiền, những con người ấy có thể lừa gạt cả đức tin, lòng trắc ẩn, từ bi nơi những con người đang phải lam lũ kiếm sống. Họ dám coi thường, bỡn cợt cả một truyền thống và giáo lý tốt đẹp trong đức tin của nhiều người. Đó là truyền thống và giáo lý muốn tu sĩ phải hàng ngày chân đất, đầu trần đi xin đồ ăn với mục đích khơi dậy lòng từ thiện bố thí nơi mỗi con người và qua đó truyền giảng đạo giáo cho chúng sinh.

Nơi chốn nương tựa cuối cùng của những xác tín nội tâm là tâm linh cũng đã bị những kẻ hám lợi, chây lười xâm hại. Lòng bác ái từ bi vốn quý hơn vàng bạc cũng đã bị những kẻ xấu lợi dụng và qua mặt. Những kẻ xấu kia không chỉ có sự chây lười, hám lợi, mà họ còn tỏ rõ sự khinh thường đạo lý, phỉ báng đức tin, rắp tâm lừa dối cả những trái tim nhân hậu, làm ô uế chốn thiêng liêng.

Làm việc xấu đã đáng lên án, lợi dụng, nhân danh điều tốt đẹp để làm việc xấu càng đáng phải lên án hơn. Khi người ta dám lừa gạt cả lòng nhân từ bác ái, lừa gạt cả đức tin thì có lẽ không có gì người ta không làm được. Xã hội phát triển được nhờ khoa học nhưng xã hội tồn tại được phải nhờ vào niềm tin. Khi niềm tin bị coi thường, bị qua mặt, bị thách thức và lừa gạt thì không gì đáng phẫn nộ hơn.

Còn gì đáng buồn hơn nếu một ngày, ta phải cảnh giác cả với chính niềm tin của mình?

Cát Thụy