"Kỳ nhông" Dmitry Kosylev và bài báo làm tổn thương hai dân tộc!

(Dân trí) - Bài báo “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên cáo” của tác giả Dmitry Kosylev đăng trên trang điện tử http://ria.ru ngày 19.5.2014 của Nga không chỉ xúc phạm dân tộc Việt Nam mà còn xúc phạm cả dân tộc Nga, một dân tộc bao dung và nhân ái.

(Bài báo xuyên tạc, thiển cận của Dmitry Kosylev)

(Bài báo xuyên tạc, thiển cận của Dmitry Kosylev)
 

 

Trong bài báo, tác giả đã bịa đặt lịch sử dân tộc Việt Nam, sai lệch về địa lý và xuyên tạc cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Nhân dân Việt Nam.

Về lịch sử, bài báo viết cách đây 2.000 năm, Việt Nam là “một phần của Trung Quốc. Nhưng từ năm  880 - không còn tồn tại. Tất cả các thế kỷ tiếp theo các nhà trí thức Việt Nam đã dành rất nhiều nỗ lực để chứng minh rằng Việt Nam  không phải là Trung Quốc.

Đó là sự xuyên tạc trắng trợn và ngu dốt bởi dân tộc Việt đã hình thành từ thủa vua Hùng, trải qua hàng ngàn năm lịch sử: “Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương – Bình Ngô đại cáo”.

Về địa lý, tác giả cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc mà thực tế là từ hàng trăm năm nay, Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Hội nghị ở San Francisco (Mỹ) năm 1951 với sự tham gia của 51 quốc gia đã bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Ba năm sau (1954), Hiệp định Geneva một lần nữa khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Đến năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo này.

Vì hiểu biết lệch lạc, tác giả cho rằng Việt Nam và Philippines bị phương Tây lợi dụng để làm khó cho Trung Quốc, rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc nên tác giả đã viết “khách quan” địa điểm đặt giàn khoan cách “27 km từ bờ biển Trung Quốc và 241 km từ Việt Nam”.

Hoàn toàn có thể nghi ngờ đây là sự mập mờ đầy thâm ý của tác giả!?

Có lẽ vì quan niệm như vậy nên Dmitry Kosylev đã có cái nhìn méo mó về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Bài báo trên không chỉ xúc phạm, gây tổn thương dân tộc Việt Nam mà nó còn gây thương tổn đến dân tộc Nga, một dân tộc ngập tràn tinh thần nhân văn và những tấm lòng cao cả. Đặc biệt là Việt Nam, đất nước với nước Nga vốn nhiều ân nghĩa.

Có thể khẳng định đây không phải là ý nguyện của nhân dân Nga dù bài báo được in trên một tờ báo lớn.

Trả lời phỏng vấn VOV, Giáo sư Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg đã chia sẻ: Rất tiếc Ria Novosti - một Hãng thông tấn rất nổi tiếng và có uy tín ở nước Nga thỉnh thoảng lại có những bài, những thông tin sai như vậy. Nhưng mà theo tôi đây chỉ là ý kiến riêng của ông Kosyrev thôi chứ không phải là quan điểm chính thức của nước Nga”.

Giáo sư Evghenhia Galovnhia nguyên là giảng viên trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên Xô, nguyên Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Văn hoá Thể thao dành cho thanh thiếu niên ví đây là loại "người -  kỳ- nhông đổi màu để thích ứng với hoàn cảnh sống tiện nhất cho họ lúc ấy".

“Là một nhà báo, Kosyrev thiển cận và thiếu học, vì là người phụ thuộc và không trong sạch. Ông ta không có tầm tư chất báo chí đáng kể đối với xã hội để có thể phản ánh ý kiến của nhân dân Nga”. Bà giáo sư Evghenhia Galovnhia nói.

Quá đúng! Dân tộc Nga, một dân tộc vĩ đại đã từng đánh bại đội quân của Napoléon, đã từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít, quê hương của Lep Tonxtoi, của Xergey Exenhin, Puskin, của nữ thi sĩ Anna Akhmatova; Đất nước của Isaac Ilyich Levitan, của Pyotr Ilyich Tchaikovsky… không thể chỉ vì một chút lợi lộc từ các hợp đồng với “bạn mới” mà cầm dao “chọc lưng” bạn cũ như lời của Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trong thư gửi ngài Tổng Biên tập Дмитрий Константинович: “Xét đến cùng, ai cũng cần có bạn bè, nhưng tại sao phải minh chứng cái cần thiết của một tình bạn mới bằng cách phủ nhận tình bạn cũ? Đó là điều xa lạ với tính cách của cả người Nga và người Việt”.

Khi viết những dòng này, lòng mình đau nhói. Nỗi đau tổn thương và nỗi đau của mất mát.

Có thể nói trên thế giới, khó có tình cảm của hai quốc gia nào lại có thể sâu nặng như Việt Nam và Liên xô trước đây và nước Nga hôm nay.

Trong công cuộc đấu tranh độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cũng như xây dựng tổ quốc, nước Nga luôn sát cánh cùng Việt Nam cả trong những thời khắc gian nan nhất.

Đã và đang có hàng vạn các nhà khoa học trẻ Việt Nam được gửi sang Nga đào tạo và đã có hàng trăm ngàn người Việt Nam được sang Nga lao động...

Đã có hàng ngàn, hàng vạn công dân Việt Nam tự coi nước Nga như là quê hương thứ hai của mình…

Nước Nga! Đó là hai tiếng thiêng liêng trong hàng vạn, hàng triệu tâm hồn Việt Nam.

Chính vì thế nên bài báo trên đã khiến những người dân Việt Nam yêu mến nước Nga tổn thương và đau xót như trong thư của Nhà báo Trần Đăng Tuấn: “… tình cảm giữa người dân, giữa hai dân tộc chúng ta quá lớn và quý báu, nên chúng ta-những người làm báo- không nên coi nhẹ những gì có thể phủ bóng đen lên những tình cảm đó”.

Ngày 24/5 vừa qua, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga, ĐBQH – Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - GS Đào Trọng Thi thay mặt Hội hữu nghị Việt – Nga đã gửi công văn sang Hội hữu nghị Nga – Việt, Đài tiếng nói nước Nga để phản đối luận điệu sai trái nay.

Một bài báo làm tổn thương tình cảm cao quý của hai dân tộc!                                      

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!